Hủy hôn nhân trái pháp luật
1. Bố mẹ bạn kết hôn từ năm 1971, đến nay chưa ly hôn, mặc dù đã mất giấy hôn thú nhưng quan hệ hôn nhân giữa bố mẹ bạn vẫn tồn tại và được Nhà nước và pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Cụ thể tại Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình nêu rõ : “Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”. Điều này một lần nữa được nhấn mạnh và khẳng định tại Điều 10 Luật HNGĐ về những trường hợp bị cấm kết hôn.
Như vậy, việc bố bạn khi chưa ly hôn mà lại kết hôn với người khác là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và vi phạm điều cấm của pháp luật. Việc xác lập quan hệ vợ chồng của bố bạn và người phụ nữ khác đã vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định và đương nhiên bị coi là kết hôn trái pháp luật. Những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật được quy định tại Điều 15 Luật HNGĐ, bao gồm: (i) Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật; (ii) Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật; (iii) Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật: Vợ, chồng, cha, mẹ, con của các bên kết hôn; Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ; (iv) Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật.
Đối chiếu với những quy định trên đây thì mẹ của bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật của bố bạn và người phụ nữ kia. Tòa án sẽ xem xét và sẽ quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật và gửi bản sao quyết định cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn đó. Căn cứ vào quyết định của Tòa án, cơ quan đã đăng ký kết hôn sẽ xóa đăng ký kết hôn của bố bạn và người phụ nữ kia trong sổ đăng ký kết hôn.
2. Như trên đã khẳng định, giữa bố mẹ bạn vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân tức là vẫn chịu sự chi phối của pháp luật về chế độ tài sản chung vợ chồng. Điều 27 Luật HNGĐ quy định: tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.”
Bộ luật Dân sự và Luật HNGĐ đều khẳng định: Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
Như vậy thì tài sản của bố bạn có được trong thời kỳ hôn nhân (không thuộc trường hợp là tài sản riêng) đương nhiên được coi là tài sản chung với mẹ bạn. Nếu chia thì mẹ bạn có thể được chia một nửa tài sản.
3. Về việc người phụ nữa kia có được chia hay được thừa kế tài sản của bố bạn để lại hay không, chúng tôi xin trả lời bạn như sau:
- Về việc hưởng thừa kế:
Xét trường hợp chia thừa kế theo pháp luật: những người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 676 BLDS theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Chế độ hôn nhân gia đình ở Việt Nam là hôn nhân một vợ một chồng (trừ trường hợp cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc hồi năm 1954 theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao). Trường hợp thừa kế của bố bạn thì pháp luật chỉ công nhận quyền thừa kế của một người vợ duy nhất, chính là mẹ của bạn. Do vậy, người phụ nữ kia không được quyền hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản do bố bạn để lại.
Xét trường hợp thừa kế theo di chúc: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển giao quyền tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế. Như vậy, nếu bố bạn trước khi mất có để lại di chúc, trong đó có nội dung chỉ định người hưởng di sản là người phụ nữ kia thì người đó có quyền được hưởng thừa kế đối với tài sản do bố bạn để lại theo di chúc.
Về quyền được chia tài sản của bố bạn thì theo Điều 17 Luật HNGĐ quy định hậu quả việc hủy kết hôn trái pháp luật như sau: Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.
Như vậy, nếu trong quá trình chung sống, bố bạn và người phụ nữ kia có tài sản chung thì khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy, tài sản đó được chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của tòa án. Đối với tài sản là tài sản riêng của bố bạn thì người phụ nữ kia không được chia.
Thư Viện Pháp Luật