Đăng ký khai sinh quá hạn cho người đã thành niên
Theo quy định tại các Điều 14, 15 và 43, 44, 45 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch: “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em”. Những trường hợp khai sinh ngoài thời hạn nói trên phải đăng ký theo thủ tục đăng ký quá hạn.
Trường hợp của bạn, năm nay bạn đã 19 tuổi - đã thành niên nhưng chưa được khai sinh nên theo quy định của Điều 44 Nghị định 158/2005/NĐ-CP thì bạn có thể được thực hiện việc đăng ký khai sinh cho mình: “Trong trường hợp người đã thành niên đăng ký khai sinh quá hạn cho mình, thì có thể đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú.”
Bạn có thể đăng kí khai sinh cho mình tại Ủy ban nhân dân xã/phường nơi bạn cư trú.
Thủ tục đăng kí khai sinh quá hạn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về Hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực, cụ thể là:“ Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Tờ khai, giấv chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn”.
Trường hợp của bạn, bạn không có giấy chứng sinh thì khi bạn đi đăng kí khai sinh bạn phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực cùng với việc khai các thông tin vào Tờ khai, sau đó cán bộ Tư pháp sẽ làm thủ tục để đăng kí khai sinh cho bạn.Thư Viện Pháp Luật