Thời hạn xét xử vụ án ly hôn
Do chị chưa nói rõ tiến trình khởi kiện cũng như những thông tin liên quan đến vụ án ly hôn giữa bạn và người chồng của mình, nên chúng tôi chỉ có thể trả lời chị trên cơ sở cung cấp những quy định của pháp luật về vấn đề thời hạn xét xử, cũng như trường hợp đình chỉ vụ án để bạn tham khảo.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 192, Bộ luật Tố tụng dân sự, Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
“a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
d) Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án;
đ) Các đương sự đã tự thoả thuận và không yêu cầu Toà án tiếp tục giải quyết vụ án;
e) Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;
g) Đã có quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
h) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.”
Theo khoản 2, Điều 192, Bộ luật TTDS, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xoá tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu vụ án thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại Điều 168 của Bộ luật TTDS bao gồm:
“a) Thời hiệu khởi kiện đã hết;
b) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;
d) Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 171 của Bộ luật này mà người khởi kiện không đến Toà án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;
đ) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện;
e) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.”
Theo quy định tại Điều 179, Bộ luật TTDS, “Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật TTDS, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật TTDS, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
2. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ từng trường hợp, Toà án ra một trong các quyết định sau đây:
a) Công nhận sự thoả thuận của các đương sự;
b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;
c) Đình chỉ giải quyết vụ án;
d) Đưa vụ án ra xét xử.
3. Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.”
Như vậy, căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên, chị có thể đối chiếu với trường hợp cụ thể của chị để giải đáp thắc mắc và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Thư Viện Pháp Luật