Có phải tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Thứ nhất, xác định tội phạm:
Theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Trong đó, giấy tờ có giá được hiểu là giấy tờ trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao được trong giao dịch dân sự như: séc, cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, công trái...
Sổ tiết kiệm hay Thẻ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm (hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm) về khoản tiền đã gửi tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm. Bản thân sổ tiết kiệm không phải là một loại tài sản theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự. Do đó, hành vi bạn của chị (tạm gọi là A) lấy trộm sổ tiết kiệm không được coi là hành vi trộm cắp tài sản quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi chung là Bộ luật Hình sự).
Sau khi lấy được sổ tiết kiệm, A đem lên ngân hàng, nhờ một bà cụ khác giả làm bà nội ký tên rút 145 triệu tiền gửi tiết kiệm. Hành vi trên của A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự:
- Khách thể của tội phạm: hành vi của A đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác đối với 145 triệu tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
- Mặt khách quan của tội phạm:
+ A đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối lấy trộm sổ tiết kiệm và nhờ người khác giả làm bà nội khiến nhân viên ngân hàng tin là thật và giao tiền cho A.
+ Số tiền A chiếm đoạt được là 145 triệu đồng. Như vậy A đã vi phạm điểm a khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự: "Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng".
- Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. A nhận thức rõ hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của mình là trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
- Chủ thể của tội phạm: A phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự. Căn cứ khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự, A đã phạm tội rất nghiêm trọng với lỗi cố ý trực tiếp. Như vậy, A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tại thời điểm thực hiện hành vi, A đủ 14 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Hình sự.
Thứ hai, hình phạt áp dụng đối với A:
Trường hợp hành vi của A thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự thì A có thể bị áp dụng hình phạt như sau:
- Nếu tại thời điểm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, A là người từ đủ 18 tuổi trở lên, A có thể bị xử phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
- Nếu tại thời điểm thực hiện hành vi, A là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, căn cứ khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự, A có thể bị xử phạt tù với thời hạn không quá 11 năm 3 tháng.
- Nếu tại thời điểm thực hiện hành vi, A là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, căn cứ khoản 2 Điều 74 Bộ luật Hình sự, A có thể bị xử phạt tù với thời hạn không quá 7 năm 6 tháng.
Khi quyết định hình phạt A có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự: "Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả".
Thứ ba, về việc áp dụng biện pháp miễn chấp hành hình phạt có điều kiện:
Điều 60 Bộ luật Hình sự quy định: "Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm." A phạm tội rất nghiêm trọng, khung hình phạt áp dụng với tội này là từ 7 năm đến 15 năm, do đó A không có đủ điều kiện để được hưởng án treo.
Thư Viện Pháp Luật