Khi nào được ưu tiên thi hành án?

Con nợ phải thi hành án cho nhiều chủ nợ khác nhau. Theo luật, chủ nợ nào sẽ được cơ quan thi hành án ưu tiên thanh toán từ tiền bán đấu giá tài sản của con nợ?

Vợ chồng ông Ngô Văn Đực (ngụ huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) có hợp đồng mua thức ăn nuôi tôm sú với ông Huỳnh Thanh Dững. Từ năm 2005 đến 2008, vợ chồng ông Đực còn nợ hơn 1,2 tỉ đồng nên ông Dững khởi kiện đòi. TAND huyện Mỹ Xuyên đã thụ lý vụ kiện và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên nhà đất của vợ chồng ông Đực theo yêu cầu của ông Dững.

Nhiều quan điểm khác nhau

Giữa năm 2009, TAND huyện Mỹ Xuyên xử sơ thẩm đã tuyên buộc vợ chồng ông Đực phải trả cho ông Dững số tiền trên cộng lãi suất theo quy định. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Theo đơn yêu cầu của ông Dững, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Mỹ Xuyên đã vào cuộc, tổ chức bán đấu giá nhà đất đang bị kê biên của vợ chồng ông Đực được hơn 1,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Dững yêu cầu được THA thì chi cục trả lời là phải chờ vì vợ chồng ông Đực còn phải thi hành nhiều bản án trả nợ khác. Cụ thể, vào gần thời điểm bị ông Dững khởi kiện thì vợ chồng ông Đực cũng bị nhiều người khác khởi kiện. Các vụ kiện này được giải quyết theo hướng vợ chồng ông Đực thỏa thuận đồng ý trả nợ (các quyết định này có sau bản án sơ thẩm trong vụ kiện của ông Dững).

Ông Dững khiếu nại. Cuối năm 2010, Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính - kinh tế - lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10 VKSND Tối cao) đã có văn bản gửi Chi cục THA huyện. Vụ này nhận định: “Số tiền bán đấu giá tài sản trên sau khi trừ các chi phí khác về THA được ưu tiên thanh toán cho ông Dững, số còn lại sẽ thanh toán cho các trường hợp khác”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục THA dân sự tỉnh Sóc Trăng cho rằng hai bản án sơ, phúc thẩm của tòa chỉ tuyên buộc vợ chồng ông Đực phải trả nợ cho ông Dững mà không nêu rõ lấy tiền từ đâu để trả. Khi kê biên nhà đất của vợ chồng ông Đực, TAND huyện Mỹ Xuyên cũng chỉ nói là để đảm bảo việc THA chứ không nói rõ là THA cho ai. Vì vậy, Cục THA tỉnh đã gửi công văn xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp).

Tháng 11-2012, Tổng cục THA dân sự có văn bản thông báo kết quả cuộc họp liên ngành (gồm Vụ 10 VKSND Tối cao, Tòa Dân sự TAND Tối cao và các vụ chuyên môn thuộc Tổng cục THA dân sự). Theo đó, cuộc họp thống nhất như sau: “Số tiền bán tài sản của ông Đực sau khi trừ chi phí THA thì được ưu tiên thanh toán cho ông Dững”.

Sau đó, Cục THA tỉnh Sóc Trăng và Chi cục THA huyện Mỹ Xuyên vẫn không đồng ý thực hiện theo hướng trên. Lý giải, cục trưởng Cục THA tỉnh cho rằng công văn của Tổng cục THA dân sự không nói rõ với những khoản nợ khác của vợ chồng ông Đực sẽ lấy tiền từ đâu để trả nên không thể thi hành được.

Tòa: Không bảo đảm THA cho riêng ai

Ông Dững tiếp tục gửi đơn yêu cầu được ưu tiên THA đến các cơ quan có thẩm quyền. Ngày 25-3 vừa qua TAND tỉnh Sóc Trăng có công văn gửi Cục THA tỉnh, xác định rằng quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND huyện Mỹ Xuyên cấm vợ chồng ông Đực chuyển nhượng nhà đất là để bảo đảm nghĩa vụ phải THA của họ. Quyết định này không nhằm bảo đảm THA cho một cá nhân hay tổ chức cụ thể nào. Từ đó, TAND tỉnh đề nghị cơ quan THA tiếp tục thi hành theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở này, trong tháng 4-2016, Tổng cục THA dân sự và Cục THA tỉnh đã có công văn gửi Chi cục THA huyện Mỹ Xuyên, đều thống nhất nội dung là quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND huyện Mỹ Xuyên cấm vợ chồng ông Đực chuyển nhượng tài sản nhằm để bảo đảm nghĩa vụ phải THA nói chung của họ. Từ đó, hai cơ quan cấp trên yêu cầu Chi cục THA huyện Mỹ Xuyên chỉ đạo chấp hành viên “thực hiện việc thanh toán tiền THA theo đúng quy định của pháp luật”.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào