Cố ý gây thương tích cho người khác bằng phương tiện nguy hiểm
Về câu hỏi của chị tôi xin trả lời như sau: Việc giám định thương tích cho mẹ chị do cơ quan công an trưng cầu giám định nhằm phục vụ việc giải quyết vụ việc, xem xét tính chất, mức độ thiệt hại để từ đó xác định trách nhiệm cứ theo quy định của pháp luật hình sự, hành chính hay dân sự.
Theo Điều 33 Pháp lệnh Giám định tư pháp thì “Việc giám định lại được thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong trường hợp có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định.”. Như vậy có thể hiểu, việc trưng cầu giám định lại thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng, việc gia đình tự yêu cầu giám định là không phù hợp với quy định nêu trên, và kết luận giám định lại do gia đình tự yêu cầu sẽ không được cơ quan tiến hành tố tụng công nhận là chứng cứ.
Vụ việc của gia đình chị có một số vấn đề về pháp lý như sau:
Hành vi vợ chú Hồng (tạm gọi là bà H) dùng đá gây thương tích cho mẹ chị có dấu hiệu của tội phạm.
Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về Tội cố ý gây thương tích như sau:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
…”
Trong đó “Hung khí nguy hiểm” được hiểu là vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm được sử dụng vào việc phạm tội …Theo quy định tại mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự thì: "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra (Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...) nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công (Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...).
Trong vụ việc của gia đình chị, theo kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền, mẹ chị chỉ bị thương tật 1% (dưới 11%) nhưng do bà H đã sử dụng hòn đá chèn xe ô tô - được coi là phương tiện nguy hiểm để gây thương tích nên căn cứ theo các quy định nêu trên thì cô của chị vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1 điều 104 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, theo khoản 1 điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự thì những vụ án về tội phạm được quy định tại khoản 1 điều 104 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Do đó, để cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, khởi tố vụ án đối với bà H thì mẹ chị (người bị hại) phải gửi đơn yêu cầu khởi tố đến cơ quan công an theo quy định./.
Thư Viện Pháp Luật