Biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội
Thứ nhất: Hành vi phạm tội
A và 2 người khác đã bàn bạc và thựchiện hành vi cướp một chiếc xe máy. Như vậy, đây là trường hợp đồng phạm theo quy định tại điều 20 Bộ luật Hình sự năm 1999. A và các đồng phạm có thể bị điều tra, truy tố và xét xử về tội Cướp tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự: "Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.". Theo Khoản 3 điều 8 Bộ luật Hình sự thì đây là tội phạm nghiêm trọng.
Thứ hai: Biện pháp xử lý
A sinh ngày 26/9/1995, tính đến thời điểm A thực hiện hành vi phạm tội (có thể hiểu là đầu năm 2012) thì A đã đủ 16 tuổi. Theo quy định tại khoản 1 điều 12 Bộ luật Hình sự thì A đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Tuy nhiên, tại thời điểm thực hiện hành vi, do A chưa đủ 18 tuổi nên việc quyết định hình phạt đối với A còn phải căn cứ theo những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội tại Chương X- Bộ luật Hình sự.
Về nguyên tắc chung, việc xử lý hình sự người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh. Theo Khoản 2 điều 69 Bộ luật Hình sự, do A chỉ phạm tội nghiêm trọng nên A có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu thiệt hại do A gây ra không lớn, A có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
Căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm, A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do A chỉ phạm tội nghiêm trọng nên theo khoản 4 Điều 69 và khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 70 Bộ luật Hình sự, trong khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Tòa án có thể áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa gồm:
a) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
b) Đưa vào trường giáo dưỡng.
Trong trường hợp cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với A, Tòa án phải căn cứ theo quy định tại Khoản 1 điều 74 Bộ luật Hình sự để xác định mức xử phạt
Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự quy định: "Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.". Như vậy, nếu A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự thì mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với A là không quá 90 tháng tù.
Thứ ba: Thủ tục tố tụng
Về việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với A, theo quy định tại khoản 2 điều 303 Bộ luật Tố tụng hình sự, A là người chưa thành niên nhưng đã phạm tội nghiêm trọng do cố ý nên A có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các Điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Về việc thăm gặp A, Khoản 2 Điều 22 Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 ban hành quy chế về tạm giữ, tạm giam có quy định: "Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp..."Như vậy, theo quy định trên, A vẫn có thể được gặp thân nhân trong thời gian bị tạm giam.
Về việc vụ án do 3 đồng phạm thực hiện nhưng cơ quan điều tra mới chỉ bắt được 2 người. Theo Khoản 1 điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự, khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can. Khi bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong trường hợp bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả thì Tòa án có thể xử vắng mặt bị cáo căn cứ theo Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự./.
Thư Viện Pháp Luật