Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Khoản 3 Điều 8 của Bộ luật Hình sự quy định: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.
Theo quy định tại Điều 106 của Bộ luật Hình sự thì người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Đối chiếu với khoản 3 Điều 8 thì đây là tội phạm ít nghiêm trọng.
Do vậy sẽ có 02 trưởng hợp xảy ra như sau:
Trường hợp 1: Tính đến thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, em gái bạn đủ 16 tuổi thì em gái bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại khoản 1 Điều 106 của Bộ luật Hình sự nếu tỷ lệ thương tật của người bị hại là từ 31% trở lên.
Em gái bạn có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Trường hợp 2: Tính đến thời điểm thực hiện hành vi phạm tội em gái bạn từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì em gái bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thư Viện Pháp Luật