Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam được quy định như thế nào?

Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 16 về Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam của Luật Thi hành án hình sự thì:

1. Trại giam là cơ quan thi hành án phạt tù có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Tiếp nhận, tổ chức quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân;

b) Thông báo cho thân nhân của phạm nhân về việc tiếp nhận phạm nhân và tình hình chấp hành án của người đó;

c) Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét giảm thời hạn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện các thủ tục đề nghị đặc xá cho phạm nhân theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện lệnh trích xuất của cơ quan, người có thẩm quyền;

e) Nhận tài sản, tiền mà phạm nhân, thân nhân của phạm nhân tự nguyện nộp tại trại giam

để thi hành án, chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có trụ sở; nhận tài sản, tiền do cơ quan thi hành án dân sự chuyển đến để giao cho phạm nhân theo quy định của Luật thi hành án dân sự;

g) Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc cung cấp thông tin, chuyển giao giấy tờ có liên quan đến phạm nhân phải thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, các nghĩa vụ dân sự khác về nơi phạm nhân chấp hành án phạt tù, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của phạm nhân, nơi về cư trú của người được đặc xá, người được miễn chấp hành án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù, phạm nhân chuyển nơi chấp hành án phạt tù hoặc chết;

h) Cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá;

i) Làm thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết theo quy định tại Điều 49 của Luật này;

k) Bàn giao phạm nhân là người nước ngoài theo quyết định của Tòa án về việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; tiếp nhận, tổ chức quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân là công dân Việt Nam phạm tội và bị kết án phạt tù ở nước ngoài được chuyển giao về Việt Nam để chấp hành án; thực hiện các quy định của Luật này về thi hành án trục xuất;

l) Thực hiện thống kê, báo cáo về thi hành án phạt tù;

m) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Giám thị trại giam có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trại giam theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Ra quyết định phân loại và tổ chức giam giữ phạm nhân theo loại;

c) Quyết định kiểm tra, thu giữ, xử lý đồ vật, tài liệu thuộc danh mục cấm;

d) Ra quyết định trích xuất phạm nhân phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh, quản lý, lao động, học tập;

đ) Ra quyết định truy nã và phối hợp tổ chức lực lượng truy bắt kịp thời phạm nhân trốn trại giam.

3. Phó giám thị trại giam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Giám thị theo sự phân công hoặc ủy quyền của Giám thị và chịu trách nhiệm trong phạm vi công việc được giao.

4. Trại giam được tổ chức như sau:

a) Trại giam có phân trại, khu giam giữ, nhà giam, các công trình phục vụ việc quản lý giam giữ, phục vụ sinh hoạt, chăm sóc y tế, giáo dục cải tạo phạm nhân; các công trình phục vụ làm việc, sinh hoạt của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức công tác tại trại giam;

b) Tổ chức bộ máy quản lý của trại giam gồm có Giám thị, Phó giám thị, Trưởng phân trại, Phó trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó đội trưởng; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan; chiến sĩ và công nhân, viên chức.

Giám thị, Phó giám thị, Trưởng phân trại, Phó trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó đội trưởng phải là người đã tốt nghiệp đại học cảnh sát, đại học an ninh, đại học luật trở lên và bảo đảm các tiêu chuẩn khác theo quy định của Chính phủ.

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trại giam

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào