Thẩm quyền bắt người của cơ quan công an
1. Về sự quản chế của địa phương
Điều 38 của Bộ luật Hình sự quy định:
“Điều 38. Quản chế
Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 39 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.
Thời hạn quản chế là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù”.
Do vậy, nếu anh của bạn không bị tuyên hình phạt bổ sung là quản chế thì khi chấp hành xong hình phạt tù, anh của bạn sẽ không bị quản chế ở địa phương.
2. Về việc bắt người của cơ quan tiến hành tố tụng
Căn cứ vào Điều 80 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
Bạn có thể dựa vào những quy định trên đây để giải quyết trường hợp của mình.
Thư Viện Pháp Luật