Gia đình tôi có chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn này không?
Trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự là hai yếu tố cần xem xét trong trường hợp này.
1/Trách nhiệm hình sự
Yếu tố trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra khi một người vi phạm quy định của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, Điều 2, Bộ luật Hình sự 1999 quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, nếu một trong các bên hoặc cả hai bên vi phạm quy định Bộ luật Hình sự mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và việc áp dụng trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng cho người vi phạm. Gia đình của người vi phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự.
2/ Trách nhiệm dân sự
Trách nhiệm dân sự sẽ áp dụng cho người gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật theo khoản 5, điều 281, Bộ luật Dân sự 2005.
Bên phải chịu trách nhiệm dân sự chỉ được giải phóng nghĩa vụ dân sự theo quy định tại khoản 8, khoản 9, điều 374, Bộ luật Dân sự 2005:
“8. Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân, chủ thể đó thực hiện;
9. Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân, chủ thể khác”.
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định tại điều 606, Bộ luật Dân sự 2005:
“1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Ðiều 621 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”.
Như vậy, nếu người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có lỗi gây thiệt hại đến tính mạng sức khoẻ của người khác mà chết thì gia đình của người đó không phải chịu trách nhiệm dân sự.
Trường hợp người gây thiệt hại đến tính mạng sức khoẻ của người khác mà chết nhưng người đó bị mất năng lực hành vi, hạn chế năng lực hành vi thì người giám hộ hoặc người đại diện của người đó phải có nghĩa vụ thực hiện thay (nếu người giám hộchứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường ).
Thư Viện Pháp Luật