Tiêu chuẩn để làm cán bộ văn hoá - xã hội
Theo quy định tại Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ, có 7 trường hợp sinh con thứ ba mà không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con, đó là các trường hợp: cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên; cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên; cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương xác nhận; cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng có hai con chung trở lên và hiện đang còn sống; phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh
Trong trường hợp của chị Tuyết, mặc dù chị Tuyết có 3 con nhưng không thể nói là chị Tuyết vi phạm nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số, vi phạm kế hoạch hoá gia đình vì vợ chồng chị Tuyết vẫn bảo đảm thực hiện đúng chính sách với 2 lần sinh con, trong đó, lần sinh con thứ hai là sinh đôi, đây là vấn đề mà các cặp vợ chồng không thể quyết định được trong quá trình người mẹ mang thai.
Từ việc thống nhất nhận thức trong tập thể lãnh đạo UBND về việc chị Tuyết có 3 con không phải là vi phạm chính sách kế hoạch hoá gia đình, đồng chí Chủ tịch UBND xã cần vận dụng chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để phân tích thêm các khía cạnh và lợi ích của việc tiếp nhận chị Tuyết về làm việc tại địa phương như sau:
- Việc tiếp nhận, bố trí công tác cho chị Tuyết tại địa phương trong trường hợp này là phù hợp với tinh thần “tạo điều kiện cho chị em vừa hoàn thành tốt chức năng xã hội, vừa thực hiện tốt chức năng người mẹ” tại Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới;
- Trong công tác cán bộ của Nhà nước ta, ưu tiên nữ là một chính sách nhất quán nhằm tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong các ngành và các cấp chính quyền, trong đó đặc biệt chú ý quan tâm tới khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, khi tuyển dụng cán bộ, công chức trước hết phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí công tác của chức danh cán bộ, công chức và chỉ tiêu biên chế được giao. Do đó, trong trường hợp này, UBND xã P đang có nhu cầu kiện toàn chức danh phù hợp với chuyên môn của chị Tuyết, bản thân chị Tuyết lại là cán bộ nữ, có năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc. Do đó, về nguyên tắc, việc tiếp nhận chị Tuyết về làm việc là cần thiết, phù hợp với chủ trương chung về công tác cán bộ;
Mặt khác, đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa là địa bàn chính quyền cơ sở cần được quan tâm củng cố bằng việc bố trí cán bộ đủ năng lực chuyên môn thực hiện nhiệm vụ. Do đó, khi chị Tuyết có nguyện vọng được tiếp nhận về công tác ổn định thì UBND cần xem xét thoả đáng những lợi ích mang lại từ việc sử dụng cán bộ có chuyên môn, có tâm huyết, và nguyện vọng gắn bó với địa phương để giải quyết một cách thoả đáng.
Trên cơ sở những phân tích trên, bà Thẻn, với cương vị Chủ tịch UBND xã cần thảo luận dân chủ trong tập thể UBND, đồng thời báo cáo Đảng uỷ xã, sau đó làm văn bản báo cáo để trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định theo thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/10/2003 về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Cần lưu ý là trong trường hợp còn có các ý kiến khác nhau trong lãnh đạo xã về việc tiếp nhận chị Tuyết thì Chủ tịch UBND xã với chức năng trực tiếp quản lý, sử dụng đội ngũ công chức cần nêu rõ quan điểm của mình về việc tiếp nhận chị Tuyết.
Thư Viện Pháp Luật