Yêu cầu tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu
Theo thông tin bạn cung cấp, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ký giữa ông A và ông B có chứa đựng yếu tố có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu. Cụ thể:
(i) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể bị tuyên vô hiệu do có sự lừa dối về chủ thể: Điều 132 Bộ luật dân sự quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa như sau: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”. Việc giao kết hợp đồng được thực hiện giữa ông A và chị C, chị C đã giả chữ ký của ông B, khiến cho ông A nhầm lẫn về chủ thể của hợp đồng, trong khi ông B là chủ sử dụng đất nhưng không hề biết việc giao dịch này.
(ii) Công chứng viên đã vi phạm quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục công chứng: Theo quy định tại Điều 48 Luật công chứng về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng: “Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên”. Tuy nhiên, đối với trường hợp của bạn, chị C đã giả chữ ký của ông B, sau đó đến Văn phòng công chứng công chứng hợp đồng; công chứng viên không chứng kiến các bên ký vào hợp đồng nhưng vẫn công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông A và ông B. Như vậy, việc công chứng trên rõ ràng đã vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục công chứng.
Theo đó, công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng nêu trên vô hiệu (theo Điều 52 Luật công chứng). Như vậy, ông A nên gửi đơn đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
Thư Viện Pháp Luật