Xuất hiện người thừa kế mới sau khi thực hiện xong việc phân chia di sản
1. Trách nhiệm của các bên khi niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Thủ tục niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật công chứng. Theo đó, các bên có trách nhiệm như sau:
- Sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
Nội dung niêm yết phải nêu rõ: Họ, tên người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia di sản; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia di sản với người để lại di sản; danh mục di sản thừa kế.
Bản niêm yết phải nêu rõ: Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót người thừa kế, di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.
Theo thông tin bạn cung cấp, trước khi công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, tổ chức công chứng đã tiến hành niêm yết công khai việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người để lại di sản; việc này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Về việc bạn thắc mắc tại sao trong thời gian niêm yết không tiến hành thẩm tra thì chúng tôi xin trả lời như sau:
(i) Việc niêm yết công khai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản và Ủy ban nhân dân xã nơi thường trú cuối cùng trước khi chết của người để lại di sản cũng chính là một cách giúp công chứng viên xác minh được những vấn đề liên quan đến di sản thừa kế, người thừa kế .... Trong bản niêm yết của tổ chức công chứng đã liệt kê danh sách những người được hưởng di sản thừa kế và cũng nêu rõ: “Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót người thừa kế ... thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết”. Sau thời gian niêm yết, tổ chức công chứng đã không nhận được bất kỳ khiếu nại, tố cáo gì liên quan nên đã tiến hành công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản do người chồng để lại là đúng trình tự, thủ tục;
(ii) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết; không có quy định về trách nhiệm thẩm tra như bạn nêu.
2. Về việc yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
Điều 5 Luật công chứng nêu: “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu”.
Người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu được quy định theo Điều 52 Luật công chứng: “Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật”.
Theo quy định trên, cán bộ tư pháp phường với tư cách cá nhân sẽ không có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vô hiệu. Tuy nhiên, người thừa kế bị bỏ sót, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành niêm yết, Văn phòng đăng ký đất đai nơi thực hiện thủ tục đăng ký sang tên... sẽ có quyền yêu cầu văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.
3. Hướng giải quyết.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 687 Bộ luật dân sự về việc phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bạn bỏ quyền thừa kế:“Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Đối chiếu với trường hợp bạn nêu:
(i) Việc phân chia di sản do người chồng để lại là quyền sử dụng đất và nhà ở xây trên đất sẽ không được tiến hành lại;
(ii) Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã công chứng vẫn có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành đối với các bên; Việc đăng ký sang tên quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở cho người vợ tại cơ quan đăng ký nhà đất không bị hủy bỏ;
(iii) Người vợ (với tư cách là người được hưởng toàn bộ di sản thừa kế do chồng để lại) có trách nhiệm thanh toán cho người con thứ bảy đang ở nước ngoài (với tư cách là người thừa kế mới xuất hiện) một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người con đó hoặc theo thỏa thuận của hai người;
(iv) Sau khi giải quyết xong việc thừa kế đối với người con thứ bảy, không còn vướng mắc gì thì gia đình bạn có thể tiếp tục tiến hành thủ tục đăng ký sang tên theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật