Các biện pháp nào bảo toàn vốn Nhà nước của Công ty mẹ Tổng công ty viễn thông MobiFone?
- Công ty mẹ Tổng công ty viễn thông MobiFone thực hiện bảo toàn vốn Nhà nước bằng các biện pháp nào?
- Việc sử dụng vốn, tài sản của Công ty mẹ Tổng công ty viễn thông MobiFone để đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ những gì?
- Quy định về việc quản lý các khoản nợ phải trả của Công ty mẹ Tổng công ty viễn thông MobiFone ra sao?
Công ty mẹ Tổng công ty viễn thông MobiFone thực hiện bảo toàn vốn Nhà nước bằng các biện pháp nào?
Theo khoản 2 Điều 9 Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone do Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 618/QĐ-UBQLV năm 2022 có quy định về các biện pháp bảo toàn vốn Nhà nước của Công ty mẹ Tổng công ty viễn thông MobiFone thực hiện sau đây:
Bảo toàn vốn nhà nước
1. MobiFone phải đảm bảo quản lý và sử dụng vốn nhà nước có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo đúng quy định của pháp luật. Mọi biến động về tăng, giảm vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, MobiFone phải báo cáo Cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát.
2. MobiFone thực hiện bảo toàn vốn Nhà nước bằng các biện pháp sau đây:
a) Thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật.
b) Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.
c) Xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng, thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro sau đây:
- Dự phòng giảm giá hàng tồn kho;
- Dự phòng các khoản phải thu khó đòi;
- Dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn;
- Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp.
d) Các biện pháp khác về bảo toàn vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Việc trích lập các khoản dự phòng bao gồm dự phòng giảm giá hàng tồn kho; dự phòng nợ phải thu khó đòi; dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính dài hạn; dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp thực hiện theo quy định trích lập dự phòng của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
4. MobiFone phải thực hiện đánh giá chỉ tiêu mức độ bảo toàn vốn theo quy định. Trường hợp không bảo toàn được vốn chủ sở hữu thì Hội đồng thành viên phải có báo cáo giải trình rõ gửi Cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính về nguyên nhân không bảo toàn được vốn và biện pháp khắc phục.
Như vậy, MobiFone thực hiện bảo toàn vốn Nhà nước bằng các biện pháp sau đây:
(1) Thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật.
(2) Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.
(3) Xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng, thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro sau đây:
- Dự phòng giảm giá hàng tồn kho;
- Dự phòng các khoản phải thu khó đòi;
- Dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn;
- Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp.
(4) Các biện pháp khác về bảo toàn vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Công ty mẹ Tổng công ty viễn thông MobiFone (Hình từ Internet)
Việc sử dụng vốn, tài sản của Công ty mẹ Tổng công ty viễn thông MobiFone để đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ những gì?
Tại Điều 11 Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone do Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 618/QĐ-UBQLV năm 2022 quy định như sau:
- Việc sử dụng vốn, tài sản của MobiFone để đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Hội đồng thành viên thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 29 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014, Điều lệ của MobiFone để thực hiện việc đầu tư ra nước ngoài.
Quy định về việc quản lý các khoản nợ phải trả của Công ty mẹ Tổng công ty viễn thông MobiFone ra sao?
Theo quy định tại Điều 7 Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone do Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 618/QĐ-UBQLV năm 2022:
Quản lý các khoản nợ phải trả
1. MobiFone có trách nhiệm mở sổ theo dõi đầy đủ các khoản nợ phải trả gồm cả các khoản lãi phải trả, các thông tin liên quan đến phạt chậm trả, thông tin liên quan đến người cho vay và thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng thời hạn đã cam kết. Thường xuyên xem xét, đánh giá, phân tích khả năng thanh toán nợ của MobiFone, phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời không để phát sinh, các khoản nợ quá hạn. Các khoản nợ phải trả mà không phải trả, không có đối tượng để trả thì hạch toán vào thu nhập khác của MobiFone.
2. Tổ chức thanh toán bù trừ công nợ giữa các đơn vị trong nội bộ MobiFone khi thực hiện kế hoạch phối hợp kinh doanh theo quy định của pháp luật.
3. Khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ phải trả phát sinh trong kỳ, chênh lệch tỷ giá đánh giá lại số dư nợ ngoại tệ phải trả cuối năm tài chính được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Việc quản lý và xử lý các khoản nợ phải trả của MobiFone thực hiện theo quy định tại Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013 của Chính phủ về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có), Quy chế quản lý nợ của MobiFone và quy định của pháp luật có liên quan.
Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc MobiFone phải quản lý và điều hành doanh nghiệp bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ; có trách nhiệm phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời không để phát sinh các khoản nợ quá hạn; nếu không xử lý kịp thời để phát sinh tình trạng nợ phải trả quá hạn không thanh toán trên 06 tháng, căn cứ vào hậu quả của việc không xử lý kịp thời, chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc MobiFone; nếu không xử lý kịp thời dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thì phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.
Trân trọng!
Phạm Lan Anh