Làm cách nào để người khai thác tàu bay nhận diện được các chuyến bay của mình?
Người khai thác tàu bay nhận diện các chuyến bay của mình theo những cách nào?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 22/2020/TT-BGTVT quy định về cách xác định các chuyến bay của người khai thác tàu bay như sau:
Xác định các chuyến bay của người khai thác tàu bay
Người khai thác tàu bay nhận diện các chuyến bay của mình theo một trong các cách như sau:
1. Theo Mã định danh Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
2. Theo Số đăng ký tàu bay.
a) Trong trường hợp một chuyến bay không thể nhận diện theo Mã định danh ICAO hoặc Số đăng ký tàu bay thì chuyến bay đó được xác định thuộc về chủ sở hữu tàu bay, khi đó chủ sở hữu tàu bay được xem là người khai thác tàu bay. Chủ sở hữu tàu bay phải cung cấp toàn bộ thông tin cần thiết để nhận diện chuyến bay của người khai thác tàu bay khi được yêu cầu.
b) Trong trường hợp cho thuê tàu bay bao gồm cả tổ bay, nếu một chuyến bay được khai thác theo Mã định danh ICAO của bên thuê, các nghĩa vụ liên quan đến lượng nhiên liệu tiêu thụ, phát thải khí CO2 của chuyến bay được xác nhận cho bên thuê tàu bay.
c) Trong trường hợp chia chỗ chuyến bay (code-share), lượng phát thải của các hãng hàng không khác nhau được phân bổ cho người khai thác tàu bay có Mã định danh ICAO trong Kế hoạch bay không lưu.
3. Nhận diện một người khai thác tàu bay của một quốc gia
a) Một người khai thác tàu bay thuộc quyền của một quốc gia phải được nhận diện qua Mã định danh ICAO, Chứng chỉ người khai thác tàu bay (sau đây viết tắt là AOC) và nơi đăng ký pháp lý.
b) Khi người khai thác tàu bay đổi Mã định danh ICAO, AOC hoặc nơi đăng ký pháp lý đến quốc gia mới nhưng không thành lập công ty mới hoặc công ty con thì quốc gia này trở thành quốc gia quản lý người khai thác tàu bay cho giai đoạn tiếp theo.
c) Hai người khai thác tàu bay được coi là một cơ quan duy nhất nếu một người khai thác tàu bay này là công ty con do người khai thác tàu bay kia sở hữu toàn bộ và cả hai đều được đăng ký hợp pháp trong cùng một quốc gia và quốc gia này là quốc gia quản lý.
d) Việc coi một số người khai thác tàu bay là một cơ quan duy nhất không áp dụng khi người khai thác tàu bay được sở hữu hoàn toàn bởi một công ty mẹ không phải là người khai thác tàu bay.
đ) Khi hai người khai thác tàu bay được coi là một cơ quan duy nhất, lượng phát thải CO2 của họ được tổng hợp để tính toán các yêu cầu bù đắp của cá thể này. Các thông tin và hồ sơ chứng minh phải được cung cấp đầy đủ trong Kế hoạch giám sát nhiên liệu của người khai thác tàu bay để chứng minh công ty con đó do công ty mẹ sở hữu toàn bộ.
Như vậy, người khai thác tàu bay nhận diện các chuyến bay của mình theo 01 trong 03 cách như sau:
1. Theo Mã định danh Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
2. Theo Số đăng ký tàu bay.
3. Nhận diện một người khai thác tàu bay của một quốc gia.
Làm cách nào để người khai thác tàu bay nhận diện được các chuyến bay của mình? (Hình từ Internet)
Việc thu thập, giám sát nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 đối với các chuyến bay quốc tế phải đảm bảo các yêu cầu gì?
Tại Điều 5 Thông tư 22/2020/TT-BGTVT quy định về việc thu thập, giám sát nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 đối với các chuyến bay quốc tế như sau:
Thu thập, giám sát nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 đối với các chuyến bay quốc tế
1. Lựa chọn phương pháp giám sát nhiên liệu tiêu thụ.
a) Người khai thác tàu bay có lượng phát thải khí CO2 hàng năm lớn hơn 50.000 tấn lựa chọn 01 (một) trong 05 (năm) phưong pháp giám sát nhiên liệu tiêu thụ và theo dõi, ghi lại lượng nhiên liệu tiêu thụ hàng năm của các chuyến bay quốc tế theo phương pháp đã lựa chọn.
b) Người khai thác tàu bay có lượng phát thải khí CO2 hàng năm nhỏ hơn 50.000 tấn hoặc tàu bay có tải trọng cất cánh tối đa đến 5.700 kg có thể sử dụng phương pháp giám sát nhiên liệu tiêu thụ hoặc sử dụng Công cụ báo cáo và ước tính phát thải (sau đây viết tắt là CERT) của ICAO để thực hiện giám sát lượng nhiên liệu tiêu thụ theo hướng dẫn tại Phụ ước 16 Tập 4.
c) Người khai thác tàu bay có lượng phát thải khí CO2 đạt đến 50.000 tấn trong 02 (hai) năm liên tiếp thì áp dụng phương pháp giám sát nhiên liệu tiêu thụ từ ngày 01 tháng 01 của năm thứ 03 (ba).
d) Người khai thác tàu bay có lượng phát thải khí CO2 giảm dưới 50.000 tấn trong 02 (hai) năm liên tiếp thì có thể sử dụng công cụ CERT của ICAO từ ngày 01 tháng 01 của năm thứ 03 (ba).
2. Kế hoạch giám sát nhiên liệu
a) Người khai thác tàu bay có lượng phát thải khí CO2 hàng năm lớn hơn 10.000 tấn từ tàu bay có tải trọng cất cánh tối đa lớn hơn 5.700 kg xây dựng Kế hoạch giám sát nhiên liệu và thực hiện giám sát nhiên liệu tiêu thụ theo Phụ ước 16 Tập 4.
b) Người khai thác tàu bay với tàu bay có tải trọng cất cánh tối đa lớn hơn 5.700 kg, đạt mức phát thải 10.000 tấn xây dựng Kế hoạch giám sát nhiên liệu trong vòng ba 03 (ba) tháng kể từ khi bắt đầu khai thác chuyến bay quốc tế.
Về việc thu thập, giám sát nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 đối với các chuyến bay quốc tế cần lựa chọn phương pháp giám sát nhiên liệu tiêu thụ và có kế hoạch giám sát nhiên liệu cụ thể.
Quy định thế nào về báo cáo phát thải đối với các chuyến bay quốc tế?
Theo Điều 6 Thông tư 22/2020/TT-BGTVT quy định về báo cáo phát thải đối với các chuyến bay quốc tế như sau:
Báo cáo phát thải đối với các chuyến bay quốc tế
1. Hàng năm, người khai thác tàu bay tổng hợp lượng nhiên liệu tiêu thụ từ tàu bay của các chuyến bay quốc tế trong năm báo cáo, lập Báo cáo phát thải.
a) Người khai thác tàu bay có lượng phát thải khí CO2 hàng năm lớn hơn 10.000 tấn từ tàu bay có tải trọng cất cánh tối đa lớn hơn 5.700 kg lập Báo cáo phát thải theo Mục 1.1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Người khai thác tàu bay ngoại trừ điểm a khoản 1 Điều này lập Báo cáo phát thải theo Mục 1.2 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
c) Người khai thác tàu bay áp dụng tỷ trọng nhiên liệu để tính khối lượng nhiên liệu nạp cho tàu bay và ghi lại tỷ trọng nhiên liệu thực tế hoặc tỷ trọng nhiên liệu tiêu chuẩn khi sử dụng cho khai thác và vì lý do an toàn. Việc sử dụng tỷ trọng nhiên liệu thực tế hay tiêu chuẩn phải được ghi chi tiết trong Kế hoạch giám sát nhiên liệu và có tham chiếu với tài liệu phù hợp của người khai thác tàu bay.
2. Lượng phát thải khí CO2 từ tàu bay được tính toán theo hướng dẫn tại Phụ ước 16 Tập 4. Hệ số phát thải CO2 sử dụng theo hướng dẫn của ICAO.
Như vậy, Hàng năm, người khai thác tàu bay tổng hợp lượng nhiên liệu tiêu thụ từ tàu bay của các chuyến bay quốc tế trong năm báo cáo, lập Báo cáo phát thải.
Lượng phát thải khí CO2 từ tàu bay được tính toán theo hướng dẫn tại Phụ ước 16 Tập 4. Hệ số phát thải CO2 sử dụng theo hướng dẫn của ICAO.
Trân trọng!
Trần Thúy Nhàn