Phân chia di sản trong trường hợp thất lạc giấy chứng tử, đăng ký kết hôn
1. Về việc xin cấp bản sao giấy chứng tử của anh trai bạn.
“Cấp bản sao từ sổ gốc” là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc (Khoản 1 Điều 2 Nghị đinh số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch). Theo quy định hiện nay, khi đăng ký hộ tịch, cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch phải ghi vào sổ hộ tịch và lưu trữ, bảo quản sổ hộ tịch. Theo đó, bạn có thể xác định cơ quan nào hiện đang lưu giữ sổ hộ tịch có nội dung liên quan đến việc đăng ký khai tử của anh trai bạn để yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc. Bạn có thể căn cứ vào quy định về:
* Thẩm quyền đăng ký khai tử tại Điều 19 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch:
- Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
- Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
* Thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc như sau:
- Người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc phải xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra.
Trong trường hợp người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc là người được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 16 của Nghị định này thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ với người được cấp bản chính (Khoản 2 và Khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP: Người yêu cầu cấp bản sao là: Cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết).
- Cơ quan, tổ chức căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao cho người yêu cầu; nội dung bản sao phải ghi theo đúng nội dung đã ghi trong sổ gốc. Trường hợp không còn lưu trữ được sổ gốc hoặc trong sổ gốc không có thông tin về nội dung yêu cầu cấp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu.
- Trường hợp người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc gửi yêu cầu qua bưu điện thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, 01 (một) phong bì dán tem ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận cho cơ quan, tổ chức cấp bản sao.
- Thời hạn cấp bản sao từ sổ gốc được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này. Trong trường hợp yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc được gửi qua bưu điện thì thời hạn được thực hiện ngay sau khi cơ quan, tổ chức nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo dấu bưu điện đến.
Nếu UBND xã - nơi trước đây đã đăng ký khai tử cho anh trai bạn - còn lưu trữ sổ gốc thì có trách nhiệm cấp bản sao giấy chứng tử của anh trai bạn theo yêu cầu của mẹ bạn hoặc bạn. Trường hợp không còn lưu trữ được sổ gốc hoặc trong sổ gốc không có thông tin về việc đăng ký khai tử của anh trai bạn thì UBND xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu.
2. Về việc khai nhận di sản do bố bạn để lại.
Do bố bạn không để lại di chúc nên di sản được chia cho những người thừa kế theo pháp luật gồm: mẹ bạn và các anh chị em bạn, và những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất khác nếu có (Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết).
Với trường hợp anh trai bạn, do anh trai bạn đã chết trước bố bạn nên phần di sản mà anh được hưởng nếu còn sống sẽ được chia theo thừa kế thế vị (theo Ðiều 677 Bộ luật dân sự). Nếu anh trai bạn không có người thừa kế thế vị thì phần di sản đó được chia cho những người thừa kế theo pháp luật khác của bố bạn.
Để đăng ký sang tên quyền sử dụng đất và toàn bộ sổ tiết kiệm từ bố bạn sang cho mẹ bạn, gia đình bạn cần tiến hành các thủ tục sau đây:
a. Công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
* Những người thực hiện: Những người thừa kế theo pháp luật của bố bạn như đã nêu trên.
* Cơ quan có thẩm quyền:
- Đối với việc phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất: Tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản (theo Điều 42 Luật công chứng);
- Đối với việc phân chia di sản thừa kế là sổ tiết kiệm: Gia đình bạn có thể đến bất kỳ tổ chức công chứng nào để yêu cầu công chứng.
Trong trường hợp di sản bao gồm cả bất động sản và động sản như của gia đình bạn thì có thể lựa chọn một tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản để yêu cầu công chứng; như vậy, vừa phù hợp với quy định của pháp luật, vừa thuận lợi và giảm thiểu được chi phí công chứng.
* Hồ sơ yêu cầu công chứng:
Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
- Dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (nếu có);
- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bản sao hai sổ tiết kiệm;
- Bản sao giấy tờ khác, như: Giấy chứng tử của bố bạn; Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của mẹ bạn; Giấy khai sinh của các anh chị em bạn; Giấy chứng tử của người anh trai đã chết năm 2007....
* Thủ tục:
- Tổ chức công chứng tiến hành niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản tại Ủy ban nhân dân cấp xã (trên địa bàn nơi có bất động sản và nơi thường trú/tạm trú cuối cùng của người để lại di sản trước khi chết). Thời gian niêm yết là 15 (mười lăm) ngày.
- Sau khi niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo gì về người thừa kế, về di sản thừa kế... thì tổ chức công chứng thực hiện việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, các anh chị em bạn và những người thừa kế khác (nếu có) có thể tặng cho toàn bộ phần di sản mà mình được hưởng cho mẹ bạn để mẹ bạn trở thành người duy nhất được hưởng toàn bộ di sản do bố bạn để lại.
b. Đăng ký sang tên quyền sử dụng đất và hai sổ tiết kiệm.
- Đối với hai sổ tiết kiệm: Mẹ bạn có quyền liên hệ với Ngân hàng nơi bố bạn mở hai sổ tiết kiệm để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật và của Ngân hàng để được hưởng toàn bộ số tiền gửi theo hai sổ tiết kiệm đó;
- Đối với quyền sử dụng đất: Thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai 2013
Mẹ bạn nộp 01 bộ hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai; cơ quan này có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các thủ tục theo quy định để đăng ký sang tên mẹ bạn đối với quyền sử dụng đất nêu trên.
Thư Viện Pháp Luật