Người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương cho người lao động trong trường hợp nào? Người lao động nhập ngũ thì được tạm ứng tiền lương hay không?

Cho hỏi người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương cho người lao động trong trường hợp nào? Người lao động nhập ngũ thì được tạm ứng tiền lương hay không?- Câu hỏi của bạn Hòa.

Trường hợp nào bắt buộc phải tạm ứng tiền lương cho người lao động?

Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương cho người lao động trong các trường hợp sau:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định về kỳ hạn trả lương như sau:

1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
...

Theo đó, trong trường hợp người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán mà công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tạm ứng lương như sau:

...
2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

Theo đó, người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Trường hợp nghỉ hằng nằm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

Người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương cho người lao động trong trường hợp nào? Người lao động nhập ngũ thì được tạm ứng tiền lương hay không?

Người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương cho người lao động trong trường hợp nào? Người lao động nhập ngũ thì được tạm ứng tiền lương hay không? (Hình từ Internet)

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tạm đình chỉ công việc như sau:

Tạm đình chỉ công việc
...
2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

Theo đó, trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Như vậy, hiện nay có 04 trường hợp người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương cho người lao động theo các quy định nêu trên.

Người lao động nhập ngũ thì được tạm ứng tiền lương hay không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tạm đình chỉ công việc như sau:

2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

Theo đó, trường hợp người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

Không tạm ứng lương cho người lao động thì có bị xử phạt không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tiền lương, xử phạt khi công ty không tạm ứng tiền lương cho người lao động trong trường hợp bắt buộc phải tạm ứng như sau:

2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền theo các mức quy định trên.

Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức là 02 lần mức phạt đối với cá nhân.

Mặc dù, có 04 trường hợp người sử dụng lao động phải ứng lương cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chỉ quy định xử phạt đối với người sử dụng lao động không tạm ứng lương cho người lao động trong trường hợp người lao động bị tạm đình chỉ. Đối với các trường hợp khác vẫn chưa có quy định.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tạm ứng tiền lương cho người lao động

Phạm Văn Quốc

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào