Quy định như thế nào về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn?
- Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn được quy định như thế nào?
- Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố đối với pháp nhân thương mại bị buộc tội như thế nào?
- Đề nghị Cơ quan điều tra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ người tham gia tố tụng như thế nào?
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn được quy định như thế nào?
Tại Điều 75 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn được quy định như sau:
1. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Chương XXXI Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Trường hợp vụ án có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự mà Cơ quan điều tra không ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì lãnh đạo Viện ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 9 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự và gửi ngay quyết định đó cho Cơ quan điều tra, đồng thời giao, gửi cho người tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 457 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn nhưng không có căn cứ và trái pháp luật, thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, Kiểm sát viên phải báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra.
3. Trường hợp vụ án không áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn điều tra nhưng sang giai đoạn truy tố có căn cứ để áp dụng thủ tục rút gọn, thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xác định đủ căn cứ, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 1 Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự, Kiểm sát viên phải báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giao, gửi quyết định đó cho người tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 457 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát bị khiếu nại thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được khiếu nại, lãnh đạo Viện có trách nhiệm giải quyết khiếu nại; nếu khiếu nại đó có căn cứ thì lãnh đạo Viện ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và vụ án được tiến hành theo thủ tục chung; trường hợp khiếu nại không có căn cứ thì lãnh đạo Viện ra văn bản trả lời cho người khiếu nại biết.
4. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ khi nhận được quyết định đề nghị truy tố của Cơ quan điều tra và hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định xử lý vụ án theo quy định tại Điều 461 Bộ luật Tố tụng hình sự.
5. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố theo thủ tục rút gọn, nếu thấy không còn một trong các căn cứ, điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc vụ án, bị can được tạm đình chỉ thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:
a) Yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hủy bỏ quyết định đó; nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ;
b) Trường hợp ở giai đoạn điều tra mà Viện kiểm sát đã ra quyết định áp
dụng thủ tục rút gọn thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ;
c) Trường hợp ở giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
6. Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì lãnh đạo Viện ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Việc giải quyết vụ án được tiến hành theo thủ tục chung.
Theo đó, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Chương XXXI Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố đối với pháp nhân thương mại bị buộc tội như thế nào?
Tại Điều 76 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố đối với pháp nhân thương mại bị buộc tội như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, trình tự, thủ tục khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố đối với pháp nhân thương mại bị buộc tội thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định của pháp luật khác có liên quan và các quy định tương ứng của Quy chế này.
Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố đối với pháp nhân thương mại bị buộc tội thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định của pháp luật khác có liên quan và các quy định tương ứng của Quy chế.
Đề nghị Cơ quan điều tra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ người tham gia tố tụng như thế nào?
Tại Điều 77 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về đề nghị Cơ quan điều tra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ người tham gia tố tụng như sau:
Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, khi nhận được đề nghị của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại hoặc người thân thích của họ hoặc xét thấy có căn cứ xác định cần phải áp dụng biện pháp bảo vệ đối với những người này, thì Kiểm sát viên kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản đề nghị Cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý giải quyết vụ việc, vụ án xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
Như vậy, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, khi nhận được đề nghị của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại hoặc người thân thích của họ hoặc xét thấy có căn cứ xác định cần phải áp dụng biện pháp bảo vệ đối với những người này, thì Kiểm sát viên kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản đề nghị Cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý giải quyết vụ việc, vụ án xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân