Việc chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền; việc phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm được quy định như thế nào?
- Việc chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền; việc phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm được quy định như thế nào?
- Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi như thế nào?
- Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định như thế nào?
Việc chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền; việc phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm được quy định như thế nào?
Tại Điều 72 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về việc chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền; việc phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm được quy định như sau:
1. Sau khi kết thúc điều tra vụ án, nếu thấy vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố theo quy định tại khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự. Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố nhận được hồ sơ phải phân công Kiểm sát viên nghiên cứu và báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:
a) Nếu đồng ý với bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra thì ban hành Cáo trạng truy tố bị can ra Tòa án có thẩm quyền xét xử. Nếu Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát đã truy tố phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra để làm thủ tục trả hồ sơ cho cơ quan đã điều tra và ra quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền;
b) Nếu không đồng ý với bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra thì chuyển lại hồ sơ cho Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra để làm thủ tục chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Đối với những vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Việc phân công Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự, Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới trong việc giải quyết vụ án hình sự do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố, phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 314/QĐ-VKSTC ngày 05/7/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quy định khác có liên quan.
Theo đó, sau khi kết thúc điều tra vụ án, nếu thấy vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố.
Việc chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền; việc phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi như thế nào?
Tại Điều 73 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi như sau:
1. Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Chương XXVIII, các quy định khác của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, quy định của pháp luật có liên quan và Quy chế này.
2. Trong vụ án hình sự có người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, nếu phát hiện Điều tra viên chưa thực hiện việc xác định rõ tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội, điều kiện sinh sống và giáo dục, có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục, nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của người dưới 18 tuổi thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 416 Bộ luật Tố tụng hình sự.
3. Nếu thấy có đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; xem xét việc phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ, lệnh tạm giam của Cơ quan có thẩm quyền điều tra theo quy định tại Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự; nếu thấy không đủ căn cứ thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và các quyết định tố tụng khác.
4. Nếu phát hiện người dưới 18 tuổi có đủ căn cứ, điều kiện và thuộc trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định tại khoản 2 Điều 91, các điều 92, 93, 94 và 95 Bộ luật Hình sự thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:
a) Nếu vụ án chưa kết thúc điều tra thì ra văn bản yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định tại các điều 230, 427, 428 và 429 Bộ luật Tố tụng hình sự;
b) Nếu vụ án đang trong giai đoạn truy tố thì ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định tại các điều 248, 427, 428 và 429 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện đúng quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định như thế nào?
Tại Điều 74 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định như sau:
1. Khi có sự nghi ngờ người bị buộc tội mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, Kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:
a) Trong giai đoạn điều tra, nếu Cơ quan điều tra không trưng cầu giám định pháp y tâm thần thì ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần;
b) Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Cơ quan điều tra cùng kết luận giám định pháp y tâm thần, nếu thấy đủ căn cứ thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:
a) Ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can và yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ điều tra đối với bị can nếu kết luận giám định pháp y tâm thần xác định được tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị can không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi;
b) Ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can và ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can nếu kết luận giám định pháp y tâm thần xác định được tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị can mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
3. Trong giai đoạn truy tố, nếu Viện kiểm sát ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì sau khi nhận được kết luận giám định pháp y tâm thần, Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, giải quyết theo quy định tại Điều 450 Bộ luật Tố tụng hình sự.
4. Nếu nội dung kết luận giám định pháp y tâm thần chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi có nghi ngờ kết luận giám định pháp y tâm thần không chính xác thì việc giám định bổ sung, giám định lại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giám định tư pháp, hướng dẫn của liên ngành và các quy định khác về trưng cầu giám định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
5. Trường hợp Viện kiểm sát nhận được thông báo của Thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh về việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:
a) Nếu vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định về tình trạng bệnh hiện tại của người bị bắt buộc chữa bệnh;
b) Nếu vụ án đang trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát ra quyết định trưng cầu giám định về tình trạng bệnh hiện tại của người bị bắt buộc chữa bệnh.
Trong các trường hợp nêu tại điểm a và điểm b khoản này, nếu kết quả giám định kết luận người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, các hoạt động tố tụng đã bị tạm đình chỉ có thể được phục hồi theo quy định tại Điều 454 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo đó, khi có sự nghi ngờ người bị buộc tội mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, Kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để giải quyết.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân