Hỗ trợ thiết lập Cổng giao tiếp trực tuyến từ VSD theo quy định mới nhất trong thời gian bao lâu?
- Hỗ trợ thiết lập Cổng giao tiếp trực tuyến từ VSD theo quy định mới nhất trong thời gian bao lâu?
- Thay đổi, hủy thông tin đăng ký tham gia Cổng giao tiếp trực tuyến của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam được thực hiện ra sao?
- Quyền của Thành viên trên Cổng giao tiếp trực tuyến của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam là gì?
Hỗ trợ thiết lập Cổng giao tiếp trực tuyến từ VSD theo quy định mới nhất trong thời gian bao lâu?
Căn cứ Điều 6 Quy định về hướng dẫn xử lý các nghiệp vụ qua Cổng giao tiếp trực tuyến của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ban hành kèm Quyết định 40/QĐ-VSD năm 2022 quy định hỗ trợ thiết lập Cổng giao tiếp trực tuyến từ VSD như sau:
1. Trong vòng ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được, hồ sơ đăng ký tham gia Cổng giao tiếp trực tuyến đầy đủ và hợp lệ căn cứ vào dấu bưu điện hoặc ngày ký nhận trên sổ công văn tại VSD, VSD tiến hành kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và niêm phong các thiết bị kết nối Cổng giao tiếp trực tuyến của Thành viên.
2. Trong vòng ba (03) ngày làm việc sau ngày thực hiện kiểm tra, VSD gửi cho Thành viên văn bản thông báo kế hoạch thử nghiệm và hướng dẫn cài đặt hệ thống để sử dụng Cổng giao tiếp trực tuyến. Trường hợp điều kiện kỹ thuật của Thành viên chưa đáp ứng được yêu cầu, VSD sẽ gửi văn bản thông báo và nêu rõ các hạng mục chưa đáp ứng yêu cầu.
3. Trong vòng một (01) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt thử nghiệm theo kế hoạch, VSD sẽ gửi văn bản chấp thuận cho Thành viên sử dụng các giao dịch đã đăng ký qua Cổng giao tiếp trực tuyến. Trường hợp thử nghiệm không đạt yêu cầu, VSD sẽ thông báo rõ nội dung, lý do để Thành viên tiếp tục hoàn thiện.
Theo đó, trong vòng ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được, hồ sơ đăng ký tham gia Cổng giao tiếp trực tuyến đầy đủ và hợp lệ căn cứ vào dấu bưu điện hoặc ngày ký nhận trên sổ công văn tại VSD, VSD tiến hành kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và niêm phong các thiết bị kết nối Cổng giao tiếp trực tuyến của Thành viên.
Hỗ trợ thiết lập Cổng giao tiếp trực tuyến từ VSD theo quy định mới nhất trong thời gian bao lâu? (Hình từ Internet)
Thay đổi, hủy thông tin đăng ký tham gia Cổng giao tiếp trực tuyến của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam được thực hiện ra sao?
Theo Điều 7 Quy định về hướng dẫn xử lý các nghiệp vụ qua Cổng giao tiếp trực tuyến của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ban hành kèm Quyết định 40/QĐ-VSD năm 2022 quy định thay đổi/hủy thông tin đăng ký tham gia Cổng giao tiếp trực tuyến như sau:
1. Trường hợp Thành viên thực hiện thay đổi/hủy thông tin truy cập Cổng giao tiếp trực tuyến, thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 05 Quy định này.
2. Trường hợp Thành viên thực hiện bổ sung/hủy các giao dịch nghiệp vụ qua Cổng giao tiếp trực tuyến, thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 06 Quy định này.
Quyền của Thành viên trên Cổng giao tiếp trực tuyến của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam là gì?
Tại Điều 8 Quy định về hướng dẫn xử lý các nghiệp vụ qua Cổng giao tiếp trực tuyến của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ban hành kèm Quyết định 40/QĐ-VSD năm 2022 quy định quyền và nghĩa vụ của Thành viên như sau:
1. Quyền của Thành viên:
1.1. Được kết nối và thực hiện các nghiệp vụ qua Cổng giao tiếp trực tuyến khi đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 4 của Quy định này trong thời gian, từ 08h00’ đến 17h00’ các ngày làm việc.
1.2. Được cấp tài khoản đại diện của Thành viên để đăng nhập Cổng giao tiếp trực tuyến và trao đổi thông tin giao dịch nghiệp vụ giữa hệ thống phần mềm nghiệp vụ của Thành viên và hệ thống của VSD.
1.3. Được bảo mật các thông tin đăng nhập và thông tin nghiệp vụ thực hiện qua Cổng giao tiếp trực tuyến.
1.4. Được tham gia vào các chương trình tập huấn và thử nghiệm chức năng Cổng giao tiếp trực tuyến do VSD tổ chức.
1.5.. Được VSD hỗ trợ về kỹ thuật khi tham gia kết nối Cổng giao tiếp trực tuyến.
1.6. Được sử dụng chữ ký số để xác nhận dữ liệu trao đổi giữa hai bên đối với một số giao dịch nghiệp vụ được VSD quy định.
1.7. Được VSD gửi lại các điện nghiệp vụ đã gửi và nhận về từ Thành viên trong trường hợp hệ thống nghiệp vụ của Thành viên gặp sự cố cần hỗ trợ đối soát dữ liệu. Thành viên phải, có văn bản gửi VSD, trong đó nêu rõ nguyên nhân và khoảng thời gian yêu cầu gửi lại điện nghiệp vụ.
1.8. Được VSD hỗ trợ xử lý các nghiệp vụ thông qua đường văn bản khi Thành viên có yêu cầu bằng văn bản trong trường hợp hệ thống nghiệp vụ của Thành viên không thể thực hiện được qua Cổng giao tiếp trực tuyến.
1.9. Được VSD kích hoạt điểm kết nối dự phòng trong trường hợp điểm kết nối chính gặp sự cố. Khi điểm kết nối chính gặp sự cố, Thành viên phải có văn bản đề nghị VSD cho sử dụng điểm kết nối dự phòng và Thành viên phải thông báo lại VSD để chuyển xử lý nghiệp vụ sang điểm kết nối chính sau khi khắc phục xong sự cố.
1.10. Được thay đổi địa điểm kết nối chính và dự phòng khi điểm kết nối mới đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 của Quy định này.
2. Nghĩa vụ của Thành viên:
2.1. Tuân thủ quy định về việc kết nối Cổng giao tiếp trực tuyến, chính sách về an ninh bảo mật, các quy định về nghiệp vụ do VSD ban hành và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2.2. Tuân thủ đúng quy định về chuẩn điện nghiệp vụ được quy định tại Phụ lục 07 của Quy định này.
2.3. Không được thực hiện bất kỳ hành động nào làm ảnh hưởng đến hệ thống Cổng giao tiếp trực tuyến của VSD và ảnh hưởng đến việc tham gia Cổng giao tiếp trực tuyến của các Thành viên khác.
2.4. Bảo mật thông tin đăng nhập hệ thống do VSD cung cấp và không đăng nhập Cổng giao tiếp trực tuyến bằng thông tin đăng nhập của Thành viên khác.
2.5. Chỉ được sử dụng máy Gateway Client để kết nối sử dụng chứng thư số với Cổng giao tiếp trực tuyến.
2.6. Thành viên phải thông báo cho VSD bằng văn bản ít nhất trước hai (02) ngày về kế hoạch sửa chữa, bảo trì, thay thế cho các thiết bị tin học và máy tính kết nối vào Cổng giao tiếp trực tuyến.
2.7. Phải sử dụng dải địa chỉ mạng cho các thiết bị theo đúng quy hoạch của VSD và không có quyền thay đổi các thông số của hệ thống.
2.8. Có nghĩa vụ trả lời các nghi vấn, hợp tác và cung cấp các chứng từ gốc liên quan đến các nghiệp vụ thực hiện trên Cổng giao tiếp trực tuyến khi có yêu cầu của VSD.
2.9. Có nghĩa vụ lưu trữ các điện nghiệp vụ được ký số sinh ra trong quá trình tạo giao dịch hoặc báo cáo trên Cổng giao tiếp trực tuyến theo quy định lưu trữ đối với chứng từ điện tử. Các điện nghiệp vụ này sẽ được sử dụng trong trường hợp đối chứng những dữ liệu được ký số với VSD.
2.10. Chịu sự kiểm tra, giám sát của VSD về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Thành viên trên Cổng giao tiếp trực tuyến.
Theo đó, thành viên trên Cổng giao tiếp trực tuyến của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam có quyền hạn tại khoản 1 Điều 9 như trên.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh