Quy định về lập, quản lý, sử dụng và bảo quản sổ sách, biểu mẫu của văn phòng con nuôi nước ngoài như thế nào?
- Văn phòng con nuôi nước ngoài lập, quản lý, sử dụng và bảo quản sổ sách, biểu mẫu như thế nào?
- Quy định về cơ quan kiểm tra xử lý vi phạm đối với văn phòng con nuôi nước ngoài như thế nào?
- Nội dung kiểm tra xử lý vi phạm đối với văn phòng con nuôi nước ngoài bao gồm những gì?
- Trình tự tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm đối với văn phòng con nuôi nước ngoài như thế nào?
Văn phòng con nuôi nước ngoài lập, quản lý, sử dụng và bảo quản sổ sách, biểu mẫu như thế nào?
Tại Điều 10a Thông tư 21/2011/TT-BTP được bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 11/2021/TT-BTP quy định văn phòng con nuôi nước ngoài lập, quản lý, sử dụng và bảo quản sổ sách, biểu mẫu như sau:
1. Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm lập, quản lý và sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu.
2. Người đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm sử dụng, quản lý các loại sổ sách, biểu mẫu; bảo quản tài liệu phát sinh trong quá trình hoạt động; định kỳ hằng năm thống kê và lập hồ sơ lưu trữ; thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ và bảo đảm việc sử dụng tài liệu lưu trữ.
(hình ảnh minh họa)
Quy định về cơ quan kiểm tra xử lý vi phạm đối với văn phòng con nuôi nước ngoài như thế nào?
Tại Điều 11 Thông tư 21/2011/TT-BTP quy định về cơ quan kiểm tra xử lý vi phạm đối với văn phòng con nuôi nước ngoài như sau:
1. Cục Con nuôi thực hiện quản lý, kiểm tra đối với các Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; định kỳ hằng năm báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tình hình hoạt động của các Văn phòng con nuôi nước ngoài.
2. Trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của Bộ, ngành hữu quan, Bộ Tư pháp thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
Nội dung kiểm tra xử lý vi phạm đối với văn phòng con nuôi nước ngoài bao gồm những gì?
Tại Điều 12 Thông tư 21/2011/TT-BTP được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Thông tư 11/2021/TT-BTP quy định nội dung kiểm tra xử lý vi phạm đối với văn phòng con nuôi nước ngoài như sau:
1. Kiểm tra hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài bao gồm:
a) Việc chấp hành nguyên tắc hoạt động phi lợi nhuận của Văn phòng con nuôi nước ngoài: tình hình thu, chi tài chính và chế độ lập sổ sách theo dõi việc thu, chi tài chính của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam;
b) Việc chấp hành Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Tư pháp cấp;
c) Kết quả giải quyết cho trẻ em làm con nuôi thông qua hỗ trợ của Văn phòng con nuôi nước ngoài;
d) Việc chấp hành quy định, hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài;
đ) Việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Thông tư này;
e) Việc thực hiện nghĩa vụ khác của Văn phòng con nuôi nước ngoài theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và pháp luật khác có liên quan;
g) Việc thực hiện nghĩa vụ lập, quản lý và sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu.
2. Kiểm tra nhân sự của Văn phòng con nuôi nước ngoài bao gồm:
a) Việc đáp ứng tiêu chuẩn của người đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 19/2011/NĐ-CP;
b) Việc ký kết, thực hiện hợp đồng sử dụng lao động và việc đáp ứng tiêu chuẩn của nhân viên Văn phòng con nuôi nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này;
c) Các vấn đề khác liên quan đến tổ chức nhân sự của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
3. Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan về thuê trụ sở (nếu có).
Trình tự tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm đối với văn phòng con nuôi nước ngoài như thế nào?
Tại Điều 13 Thông tư 21/2011/TT-BTP được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Thông tư 11/2021/TT-BTP quy định trình tự tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm đối với văn phòng con nuôi nước ngoài như sau:
1. Việc kiểm tra Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam được tiến hành định kỳ hằng năm hoặc đột xuất.
2. Đối với việc kiểm tra định kỳ hằng năm, Cục Con nuôi thông báo cho Văn phòng con nuôi nước ngoài biết trước ít nhất 05 ngày làm việc về thời gian, thành phần, nội dung, kế hoạch và địa điểm kiểm tra; trường hợp kiểm tra đột xuất thì thông báo trước ít nhất 01 ngày làm việc.
3. Khi tiến hành kiểm tra phải lập biên bản về các nội dung kiểm tra; biên bản phải có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra và người đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài. Trong trường hợp kết quả kiểm tra cho thấy có hành vi vi phạm của Văn phòng con nuôi nước ngoài cần được xử lý kịp thời, trưởng đoàn kiểm tra đề xuất ngay với cấp có thẩm quyền để áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm thời, nhằm khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm và đề xuất hướng xử lý đối với Văn phòng con nuôi nước ngoài.
4. Chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc kiểm tra, Cục Con nuôi có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đồng thời thông báo cho Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam và tổ chức con nuôi nước ngoài hữu quan về kết luận kiểm tra.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân