Tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi như thế nào?
- Tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi như thế nào?
- Thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định như thế nào?
- Hoạt động của Kiểm sát viên trước khi khám nghiệm hiện trường được quy định như thế nào?
Tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi như thế nào?
Tại Điều 27 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi như sau:
1. Lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phân công Kiểm sát viên trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận, quản lý đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi do cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến. Kiểm sát viên phải ghi vào sổ thụ lý; ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm tiếp nhận; nội dung tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; tên, tuổi và địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết. Nếu là thông tin do Cơ quan có thẩm quyền điều tra cung cấp, Kiểm sát viên được phân công trực phải báo cáo ngay lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện trong ca trực để kịp thời phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải giữ bí mật thông tin của cá nhân đã cung cấp tố giác, tin báo có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nếu có yêu cầu.
2. Khi nhận được thông báo của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải cử Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi đối với tất cả các vụ việc mà Cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành khám nghiệm theo quy định của pháp luật.
Đối với các vụ việc phức tạp, các vụ án giết người không quả tang, các vụ tai nạn giao thông, các vụ tai nạn lao động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vụ việc có từ 02 tử thi trở lên; các vụ án mà người phạm tội là nhân sỹ trí thức hoặc các chức sắc tôn giáo, người có uy tín cao thuộc các dân tộc ít người, các vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hoặc các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết thì lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải trực tiếp cùng Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Trường hợp cần thiết, Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới đề nghị Viện kiểm sát cấp trên phân công Kiểm sát viên cùng tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.
Nguồn: Internet
Thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định như thế nào?
Tại Điều 28 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định như sau:
1. Thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi theo thẩm quyền giải quyết các vụ án hình sự và theo lãnh thổ. Các vụ án giết người, nghi giết người; các vụ tai nạn lao động, tai nạn giao thông; các vụ cháy, nổ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp hoặc các vụ việc xảy ra có liên quan đến yếu tố nước ngoài; các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp khác do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu tiến hành khám nghiệm thuộc thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.
2. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, khi có yêu cầu thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi có dấu vết tội phạm có trách nhiệm phân công Kiểm sát viên phối hợp, tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Hoạt động của Kiểm sát viên trước khi khám nghiệm hiện trường được quy định như thế nào?
Tại Điều 29 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về hoạt động của Kiểm sát viên trước khi khám nghiệm hiện trường như sau:
Trước khi khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải chủ động nắm tình hình, yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra thông báo nội dung, diễn biến ban đầu của sự việc xảy ra, công tác bảo vệ hiện trường, để tham gia ý kiến vào việc chuẩn bị khám nghiệm, phương pháp khám nghiệm, chủ động yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, kiểm tra đầy đủ thành phần trước khi tiến hành khám nghiệm bảo đảm đúng quy định tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân