Quy định về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát?
- Nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát là gì?
- Đối tượng tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động được quy định như thế nào?
- Tuần tra, kiểm soát công khai của Cảnh sát cơ động được quy định như thế nào?
- Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang của Cảnh sát cơ động được quy định như thế nào?
- Xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động?
Nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát là gì?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 54/2022/TT-BCA (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định nhiệm vụ như sau:
1. Chấp hành nghiêm sự chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên và kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Bảo đảm an ninh, trật tự trong phạm vi địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến tuần tra, kiểm soát; phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật.
3. Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an nhân dân, Công an địa phương đấu tranh phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác thuộc địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến được phân công tuần tra, kiểm soát.
4. Báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức liên quan có biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
5. Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm an ninh, trật tự và chấp hành pháp luật về an ninh, trật tự.
6. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
(Hình ảnh minh họa)
Đối tượng tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động được quy định như thế nào?
Theo Điều 9 Thông tư 54/2022/TT-BCA (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định đối tượng tuần tra, kiểm soát như sau:
1. Đối tượng tuần tra gồm: Địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến được phân công.
2. Đối tượng kiểm soát gồm: Người, phương tiện, đồ vật, tài liệu.
Tuần tra, kiểm soát công khai của Cảnh sát cơ động được quy định như thế nào?
Tại Điều 10 Thông tư 54/2022/TT-BCA (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định tuần tra, kiểm soát công khai như sau:
1. Tuần tra, kiểm soát công khai gồm:
a) Tuần tra, kiểm soát cơ động chiến đấu;
b) Kiểm soát tại điểm, chốt trong địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến tuần tra, kiểm soát.
2. Trường hợp kiểm soát tại một điểm, chốt phải có kế hoạch, phương án được người có thẩm quyền phê duyệt.
3. Khi tuần tra, kiểm soát công khai phải sử dụng trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân theo quy định; sử dụng phương tiện giao thông hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến được phân công; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang của Cảnh sát cơ động được quy định như thế nào?
Theo Điều 11 Thông tư 54/2022/TT-BCA (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang như sau:
1. Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác khi có yêu cầu;
b) Khi có diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự.
2. Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
3. Việc thực hiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải có kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát được Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt.
Khi tuần tra, kiểm soát phải bố trí cán bộ hóa trang (mặc thường phục) để nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trong phạm vi khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động?
Căn cứ Điều 13 Thông tư 54/2022/TT-BCA (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát như sau:
1. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch tuần tra, kiểm soát
a) Đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động từ cấp Tiểu đoàn trở lên thực hiện tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát bảo vệ mục tiêu; kế hoạch tuần tra, kiểm soát độc lập hoặc phối hợp với Công an đơn vị, địa phương tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến phức tạp về an ninh, trật tự theo chỉ đạo của người có thẩm quyền hoặc trong trường hợp cần thiết.
b) Đơn vị Cảnh sát cơ động Công an cấp tỉnh thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát thường xuyên; kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề hoặc trong các đợt cao điểm.
c) Kế hoạch tuần tra, kiểm soát bao gồm các nội dung cơ bản sau: Mục đích, yêu cầu; thời gian, phạm vi; nhiệm vụ, biện pháp, phương pháp thực hiện; công tác chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và phối hợp giữa các lực lượng; điều kiện đảm bảo.
d) Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt kế hoạch tuần tra, kiểm soát do Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động xây dựng trong trường hợp cần thiết khi địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến phức tạp về an ninh, trật tự hoặc khi có sự kiện chính trị quan trọng liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều đơn vị, địa phương;
đ) Tư lệnh Cảnh sát cơ động quyết định và phê duyệt kế hoạch tuần tra, kiểm soát do các đơn vị trực thuộc xây dựng. Đối với kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát theo đề nghị của Công an các đơn vị, địa phương thuộc địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến cấp Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn, Đoàn, Trung tâm huấn luyện được giao phụ trách phải do cấp Trung đoàn, Đoàn, Trung tâm huấn luyện xây dựng và báo cáo Tư lệnh Cảnh sát cơ động quyết định, phê duyệt;
e) Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định và phê duyệt kế hoạch tuần tra, kiểm soát do Phòng Cảnh sát bảo vệ, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát cơ động Công an cấp tỉnh xây dựng;
g) Thủ trưởng cấp trên trực tiếp phê duyệt kế hoạch tuần tra kiểm, soát của cấp dưới xây dựng.
2. Xây dựng, phê duyệt phương án tuần tra, kiểm soát được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
3. Việc quản lý, sử dụng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát được thực hiện theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh