Quy định về nguyên tắc của hoạt động tuần tra, kiểm soát Cảnh sát cơ động?
- Nguyên tắc của hoạt động tuần tra, kiểm soát Cảnh sát cơ động được quy định như thế nào?
- Thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát được quy định ra sao?
- Trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động trong thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát?
- Trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong hoạt động tuần tra, kiểm soát Cảnh sát cơ động?
- Quyền hạn của Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát là gì?
Nguyên tắc của hoạt động tuần tra, kiểm soát Cảnh sát cơ động được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 54/2022/TT-BCA (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định nguyên tắc của hoạt động tuần tra, kiểm soát như sau:
1. Tuân thủ quy định của Thông tư này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệnh Công an nhân dân; thực hiện đúng kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật; chủ động trấn áp người có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát phải sử dụng trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
4. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi ra quân thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.
5. Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự phải có tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp.
6. Nghiêm cấm lợi dụng hoạt động tuần tra, kiểm soát để sách nhiễu, gây phiền hà Nhân dân, xâm hại lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác.
(Hình ảnh minh họa)
Thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát được quy định ra sao?
Theo Điều 4 Thông tư 54/2022/TT-BCA (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định thẩm quyền điều động như sau:
Thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Luật Cảnh sát cơ động.
Trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động trong thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát?
Tại Điều 5 Thông tư 54/2022/TT-BCA (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động như sau:
1. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
2. Tổ chức lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thực hiện tuần tra, kiểm soát độc lập hoặc chủ trì, phối hợp với Công an đơn vị, địa phương tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến phức tạp về an ninh, trật tự hoặc khi có sự kiện chính trị quan trọng trong trường hợp cần thiết.
3. Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công an bố trí lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến phức tạp về an ninh, trật tự hoặc khi có sự kiện chính trị quan trọng. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong hoạt động tuần tra, kiểm soát Cảnh sát cơ động?
Theo Điều 6 Thông tư 54/2022/TT-BCA (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
1. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trên phạm vi địa bàn quản lý;
b) Phân công, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát cơ động thuộc quyền.
2. Phòng Cảnh sát bảo vệ, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Cảnh sát cơ động Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Tham mưu giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định bố trí các đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền;
b) Bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định;
c) Chủ trì, phối hợp với Công an cấp huyện thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến phức tạp về an ninh, trật tự hoặc khi có sự kiện chính trị quan trọng.
Quyền hạn của Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát là gì?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 54/2022/TT-BCA (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định quyền hạn như sau:
1. Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Cảnh sát cơ động.
2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.
3. Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 16 Luật Cảnh sát cơ động.
4. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
5. Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh