Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm được quy định như thế nào?
- Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm được quy định như thế nào?
- Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú được quy định như thế nào?
- Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tạm hoãn xuất cảnh được quy định như thế nào?
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm được quy định như thế nào?
Tại Điều 18 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm như sau:
1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được quyết định về việc bảo lĩnh hoặc quyết định về việc đặt tiền để bảo đảm, đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu khác có liên quan về việc bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm, Kiểm sát viên phải kiểm sát căn cứ, điều kiện, thẩm quyền, thời hạn bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại Điều 121 hoặc Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 07/8/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm, báo cáo đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định về việc bảo lĩnh hoặc quyết định về việc đặt tiền để bảo đảm.
Trường hợp bị can đã được áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm nhưng vi phạm nghĩa vụ thì Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can.
2. Trong giai đoạn truy tố, nếu có căn cứ thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, quyết định.
Nguồn: Internet
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú được quy định như thế nào?
Tại Điều 19 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú được quy định như sau:
1. Sau khi phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, nếu Cơ quan có thẩm quyền điều tra áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can, Kiểm sát viên phải kiểm sát căn cứ, điều kiện, thẩm quyền, thời hạn và việc thông báo về việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can của Cơ quan có thẩm quyền điều tra. Nếu phát hiện lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan có thẩm quyền điều tra không có căn cứ thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra hủy bỏ lệnh đó. Nếu Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan có thẩm quyền điều tra.
Trường hợp phát hiện bị can vi phạm việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và ra lệnh bắt bị can để tạm giam.
2. Trong giai đoạn truy tố, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên phải báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp nếu bị can đã được quyết định áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và ra lệnh bắt bị can để tạm giam.
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tạm hoãn xuất cảnh được quy định như thế nào?
Tại Điều 20 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tạm hoãn xuất cảnh như sau:
1. Ngay sau khi nhận được thông báo về việc quyết định tạm hoãn xuất cảnh của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên phải kiểm sát căn cứ, thẩm quyền, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh. Trường hợp xét thấy quyết định tạm hoãn xuất cảnh của Cơ quan điều tra không có căn cứ thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh của Cơ quan điều tra theo quy định tại Điều 41 và khoản 5 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu có căn cứ xác định việc bị can có dấu hiệu bỏ trốn ra nước ngoài mà Cơ quan điều tra không ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh và gửi ngay cho Cơ quan điều tra, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
2. Trong giai đoạn truy tố, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với những người quy định tại khoản 1 Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong trường hợp này, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn quyết định việc truy tố.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân