Quy định về đáp ứng yêu cầu gì về phát triển năng lực tính toán với phương pháp dạy học môn toán Chương trình xóa mù chữ?
- Phương pháp dạy học môn Toán cần đáp ứng yêu cầu gì về phát triển năng lực tính toán nào?
- Yêu cầu về tính đặc thù cho đối tượng người lớn tuổi trong phương pháp dạy học môn toán Chương trình xóa mù chữ?
- Quy định về đánh giá phương pháp dạy học và kết quả giáo dục trong giáo dục môn toán Chương trình xóa mù chữ?
Phương pháp dạy học môn Toán cần đáp ứng yêu cầu gì về phát triển năng lực tính toán nào?
Tiểu tiết 1.3 Tiểu mục 1 Mục IV Phần thứ hai Chương trình xóa mù chữ ban hành kèm theo Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT quy định yêu cầu về phát triển các năng lực tính toán, năng lực ngôn ngữ và các năng lực đặc thù khác trong phương pháp dạy học môn toán Chương trình xóa mù chữ như sau:
Hình thành và phát triển năng lực tính toán, năng lực ngôn ngữ và các năng lực đặc thù khác. Cụ thể:
- Môn Toán với ưu thế nổi trội, có nhiều cơ hội để phát triển năng lực tính toán thể hiện ở chỗ vừa cung cấp kiến thức toán học, rèn luyện kỹ năng tính toán, ước lượng, vừa giúp hình thành và phát triển các thành tố của năng lực toán học (năng lực tư duy và lập luận, năng lực mô hình hóa, năng lực giải quyết vấn đề; năng lực giao tiếp và năng lực sử dụng công cụ và phương tiện học toán).
- Môn Toán góp phần phát triển năng lực ngôn ngữ thông qua rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, diễn giải, phân tích, đánh giá tình huống có ý nghĩa toán học, thông qua việc sử dụng hiệu quả ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường để trình bày, diễn tả các nội dung, ý tưởng, giải pháp toán học.
- Môn Toán góp phần phát triển năng lực tin học thông qua việc sử dụng các phương tiện, công cụ công nghệ thông tin và truyền thông như công cụ hỗ trợ trong học tập và tự học; tạo dựng môi trường học tập trải nghiệm.
- Môn Toán góp phần phát triển năng lực thẩm mĩ thông qua việc giúp học viên làm quen với lịch sử toán học, với tiểu sử của các nhà toán học và thông qua việc nhận biết vẻ đẹp của Toán học trong thế giới tự nhiên.
Phương pháp dạy học môn Toán cần đáp ứng hình thành và phát triển năng lực tính toán, năng lực ngôn ngữ và các năng lực đặc thù khác như cung cấp kiến thức toán học, rèn luyện kỹ năng tính toán, ước lượng, vừa giúp hình thành và phát triển các thành tố của năng lực toán học, góp phần phát triển năng lực tin học, phát triển năng lực thẩm mĩ.
Phương pháp dạy học môn Toán cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản nào? (Hình từ Internet)
Yêu cầu về tính đặc thù cho đối tượng người lớn tuổi trong phương pháp dạy học môn toán Chương trình xóa mù chữ?
Tiểu tiết 1.4 Tiểu mục 1 Mục IV Phần thứ hai Chương trình xóa mù chữ ban hành kèm theo Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT quy định yêu cầu về tính đặc thù cho đối tượng người lớn tuổi trong phương pháp dạy học môn toán Chương trình xóa mù chữ như sau:
Tính đặc thù cho đối tượng người lớn tuổi
- Phương pháp dạy học môn Toán cần phù hợp với tiến trình nhận thức của học viên, đặc biệt là người lớn tuổi (đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ dễ đến khó, từ trải nghiệm thực tiễn đến thống nhất kiến thức toán học); phù hợp với hoạt động lao động, sản xuất mà học viên đã và đang trải nghiệm; không nhất thiết đề cao tính logic của khoa học toán học mà chỉ cần chú ý thống nhất giữa thực tiễn và kiến thức toán học liên quan; khai thác tối đa vốn kinh nghiệm và sự trải nghiệm của học viên;
- Quán triệt tinh thần “lấy trải nghiệm của người học làm cơ sở dạy học kiến thức toán liên quan”, phát huy tính tích cực, tự giác, tự trọng của người học; động viên, thấu hiểu hoàn cảnh khác nhau của học viên, vốn vừa lao động vừa học tập; phát huy tính ân cần, nhiệt tình và chỉ bảo của người dạy;
- Linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực; kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo với việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học truyền thống; kết hợp các hoạt động dạy học và động viên người học; khơi dậy tính tự trọng của người học; coi trọng trải nghiệm của học viên gắn với kiến thức toán học liên quan; học toán phục vụ trực tiếp trong lao động, sản xuất và các hoạt động hàng ngày.
- Sử dụng đủ và hiệu quả các phương tiện, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định đối với môn Toán, khai thác cơ sở vật chất xung quanh hỗ trợ đồ dùng dạy học; có thể sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm phù hợp với nội dung học và các đối tượng học viên; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại một cách phù hợp và hiệu quả.
Phương pháp dạy học môn toán Chương trình xóa mù chữ phải đáp ứng được tính đặc thù cho đối tượng người lớn tuổi, phù hợp với tiến trình nhận thức của học viên, đặc biệt là người lớn tuổiinh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực; kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo với việc vận dụng các phương pháp, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định đối với môn Toán.
Quy định về đánh giá phương pháp dạy học và kết quả giáo dục trong giáo dục môn toán Chương trình xóa mù chữ?
Tiểu mục 2 Mục IV Phần thứ hai Chương trình xóa mù chữ ban hành kèm theo Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá phương pháp dạy học và kết quả giáo dục trong giáo dục môn toán Chương trình xóa mù chữ như sau:
Đánh giá kết quả giáo dục
Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục môn Toán là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về sự phát triển năng lực và sự tiến bộ của học viên trên cơ sở yêu cầu cần đạt ở mỗi kỳ; điều chỉnh các hoạt động dạy học, bảo đảm sự tiến bộ của từng học viên và nâng cao chất lượng giáo dục môn Toán nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung.
Vận dụng kết hợp nhiều hình thức đánh giá (đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì), nhiều phương pháp đánh giá (quan sát, ghi lại quá trình thực hiện, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, tự luận, kiểm tra viết, bài tập thực hành, các dự án/sản phẩm học tập, thực hiện nhiệm vụ thực tiễn,...) và vào những thời điểm thích hợp.
Đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, kết hợp với đánh giá của giáo viên các môn học khác, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp hoặc đánh giá của cha mẹ học viên. Đánh giá quá trình đi liền với tiến trình hoạt động học tập của học viên, tránh tình trạng tách rời giữa quá trình dạy học và quá trình đánh giá, bảo đảm mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ trong học tập của học viên.
Đánh giá định kì (hay đánh giá tổng kết) có mục đích chính là đánh giá việc thực hiện các mục tiêu học tập. Kết quả đánh giá định kì và đánh giá tổng kết được sử dụng để chứng nhận cấp độ học tập, công nhận thành tích của học viên. Đánh giá định kì do cơ sở giáo dục tổ chức hoặc thông qua các kì kiểm tra, đánh giá quốc gia.
Đánh giá định kì còn được sử dụng để phục vụ quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ phát triển chương trình môn Toán.
Đánh giá năng lực học viên thông qua các bằng chứng biểu hiện kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các hành động của học viên. Tiến trình đánh giá gồm các bước cơ bản như: xác định mục đích đánh giá; xác định bằng chứng cần thiết; lựa chọn các phương pháp, công cụ đánh giá thích hợp; thu thập bằng chứng; giải thích bằng chứng và đưa ra nhận xét.
Chú trọng việc lựa chọn phương pháp, công cụ đánh giá các thành tố của năng lực toán học. Cụ thể:
- Đánh giá năng lực tư duy và lập luận toán học: có thể sử dụng một số phương pháp, công cụ đánh giá như các câu hỏi (nói, viết), bài tập,... mà đòi hỏi học viên phải trình bày, so sánh, phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa kiến thức; phải vận dụng kiến thức toán học để giải thích, lập luận.
- Đánh giá năng lực mô hình hóa toán học: lựa chọn những tình huống trong thực tiễn làm xuất hiện bài toán toán học. Từ đó, đòi hỏi học viên phải xác định được mô hình toán học (gồm công thức, phương trình, bảng biểu, đồ thị,...) cho tình huống xuất hiện trong bài toán thực tiễn; giải quyết được những vấn đề toán học trong mô hình được thiết lập; thể hiện và đánh giá được lời giải trong ngữ cảnh thực tiễn và cải tiến được mô hình nếu cách giải quyết không phù hợp.
- Đánh giá năng lực giải quyết vấn đề toán học; có thể sử dụng các phương pháp như yêu cầu người học nhận dạng tình huống phát hiện và trình bày vấn đề cần giải quyết; mô tả, giải thích các thông tin ban đầu, mục tiêu, mong muốn của tình huống vấn đề đang xem xét; thu thập, lựa chọn, sắp xếp thông tin và kết nối với kiến thức đã có; sử dụng các câu hỏi (có thể yêu cầu trả lời nói hoặc viết) đòi hỏi người học vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề, đặc biệt các vấn đề thực tiễn; sử dụng phương pháp quan sát (như bảng kiểm theo các tiêu chí đã xác định), quan sát người học trong quá trình giải quyết vấn đề; đánh giá qua các sản phẩm thực hành của người học (chẳng hạn sản phẩm của các dự án học tập); quan tâm hợp lí đến các nhiệm vụ đánh giá mang tính tích hợp.
- Đánh giá năng lực giao tiếp toán học: có thể sử dụng các phương pháp như yêu cầu người học nghe hiểu, đọc hiểu, ghi chép (tóm tắt), phân tích, lựa chọn, trích xuất được được các thông tin toán học cơ bản, trọng tâm trong văn bản nói hoặc viết; sử dụng được ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường trong việc trình bày, diễn đạt, nêu câu hỏi, thảo luận, tranh luận các nội dung ý tưởng giải pháp toán học trong sự tương tác với người khác.
- Đánh giá năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán: có thể sử dụng các phương pháp như yêu cầu người học nhận biết được tên gọi, tác dụng quy cách sử dụng, cách thức bảo quản, ưu điểm, hạn chế của các công cụ, phương tiện học toán; trình bày được cách sử dụng (hợp lí) công cụ, phương tiện học toán để thực hiện nhiệm vụ học tập hoặc để diễn tả những lập luận, chứng minh toán học.
Khi giáo viên lên kế hoạch bài học, cần thiết lập các tiêu chí và cách thức đánh giá để bảo đảm ở cuối mỗi bài học học viên đạt được các yêu cầu cơ bản dựa trên các tiêu chí đã nêu, trước khi thực hiện các hoạt động học tập tiếp theo.
Việc đánh giá phương pháp dạy học và kết quả giáo dục trong giáo dục môn toán Chương trình xóa mù chữ đề đánh giá việc thực hiện các mục tiêu học tập. Kết quả đánh giá định kì và đánh giá tổng kết được sử dụng để chứng nhận cấp độ học tập, công nhận thành tích của học viên. Đánh giá định kì do cơ sở giáo dục tổ chức hoặc thông qua các kì kiểm tra, đánh giá quốc gia.
Trân trọng!
Trần Thúy Nhàn