Con được hưởng di sản của ông bà ngoại khi mẹ đã chết
Khi ông bà ngoại bạn mất, không để lại di chúc thì di sản do ông bà để lại được chia cho những người thừa kế theo pháp luật, xác định theo Điều 676 Bộ luật dân sự:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo quy định trên, những người được hưởng di sản do ông bà nội bạn để lại gồm tất cả sáu người con của ông bà, trong đó bao gồm cả người con đã cho người khác nuôi và ba người con đã chết sau ông bà.
(Việc xác định người thừa kế được căn cứ vào thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết, tức là thời điểm ông bà ngoại bạn chết. Tại thời điểm mở thừa kế của ông bà ngoại bạn, mẹ và hai người cậu của bạn vẫn còn sống nên theo Điều 635 Bộ luật dân sự, ba người đó đương nhiên có quyền được hưởng di sản do ông bà để lại).
Hiện nay, khi gia đình bạn tiến hành phân chia di sản do ông bà ngoại để lại, mẹ và hai cậu của bạn đã chết nên không thể tiến hành thủ tục này. Phần di sản mà ba người được hưởng khi còn sống sẽ được chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của ba người. Những người thừa kế này sẽ cùng với các thừa kế của ông bà ngoại tiến hành thủ tục phân chia di sản thừa kế do ông bà ngoại bạn để lại.
Đối với phần di sản mà mẹ bạn được hưởng từ ông bà ngoại bạn để lại cũng như vậy, sẽ được chia cho những người thừa kế của mẹ bạn. Bạn với tư cách là con sẽ là một trong những người được hưởng thừa kế theo pháp luật của mẹ bạn và có quyền hưởng thay phần di sản mà mẹ bạn được hưởng từ ông bà ngoại khi còn sống.
Thư Viện Pháp Luật