Biên bản vi phạm hành chính được người không có thẩm quyền xử phạt lập phải chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt trong bao lâu?
Trường hợp người lập biên bản không có thẩm quyền xử phạt thì sau bao lâu phải chuyển biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền?
Tại Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về lập biên bản vi phạm hành chính như sau:
Lập biên bản vi phạm hành chính
...
5. Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.
Như vậy, trường hợp người lập biên bản không thuộc có thẩm quyền xử phạt thì trong vòng 24 giờ kể từ khi lập biên bản phải chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp người lập biên bản không có thẩm quyền xử phạt thì sau bao lâu phải chuyển biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền? (Hình từ Internet)
Khi nào không cần lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính?
Tại Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản như sau:
Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.
Theo như quy định nêu trên thì trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ thì không cần lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.
Những trường hợp nao không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính?
Tại Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:
a) Trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật này;
b) Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;
c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này;
d) Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;
đ) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 62 của Luật này.
2. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
Việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản này không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trên đây là quy định của pháp luật về những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi