Cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước cấp chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được quy định như thế nào?
Chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước cấp quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 6 Thông tư 69/2022/TT-BTC quy định về chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước cấp như sau:
Chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 143 Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 16 tháng 6 năm 2022 là một trong các loại chứng chỉ sau:
1. Đối với chứng chỉ về tư vấn do cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước cấp:
a) Chứng chỉ tư vấn bảo hiểm nhân thọ;
b) Chứng chỉ tư vấn bảo hiểm phi nhân thọ;
c) Chứng chỉ tư vấn bảo hiểm sức khỏe.
2. Đối với chứng chỉ về đánh giá rủi ro bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước cấp:
a) Chứng chỉ đánh giá rủi ro bảo hiểm nhân thọ;
b) Chứng chỉ đánh giá rủi ro bảo hiểm phi nhân thọ;
c) Chứng chỉ đánh giá rủi ro bảo hiểm sức khỏe.
3. Đối với chứng chỉ về giám định tổn thất bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước cấp:
a) Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường biển và đường thủy nội địa (sau đây gọi tắt là chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm hàng hải);
b) Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm hàng không;
c) Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm hàng không).
4. Đối với chứng chỉ về hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước cấp:
a) Chứng chỉ hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm nhân thọ;
b) Chứng chỉ hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm phi nhân thọ;
c) Chứng chỉ hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm sức khỏe.
Chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước cấp tùy thuộc vào loại bảo hiểm mà sẽ có các quy định đặc thù riêng nêu trên.
Chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm (Hình từ Internet)
Chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm nước ngoài cấp ra sao?
Theo khoản 5 Điều 6 Thông tư 69/2022/TT-BTC quy định về chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm nước ngoài cấp như sau:
5. Đối với chứng chỉ do cơ sở đào tạo về bảo hiểm nước ngoài cấp:
a) Chứng chỉ bảo hiểm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư này có giá trị tương đương các chứng chỉ quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 và điểm a khoản 4 Điều này;
b) Chứng chỉ bảo hiểm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư này có giá trị tương đương các chứng chỉ quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều này;
c) Chứng chỉ bảo hiểm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư này có giá trị tương đương các chứng chỉ quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 và điểm c khoản 4 Điều này;
d) Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm phi nhân thọ do cơ sở đào tạo về bảo hiểm nước ngoài cấp có giá trị tương đương các chứng chỉ quy định tại khoản 3 Điều này;
Chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm nước ngoài cấp sẽ có giá trị pháp lý tương đương các chứng chỉ được dẫn ở trên.
Cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước là cơ sở như thế nào?
Tại Điều 7 Thông tư 69/2022/TT-BTC quy định về cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước như sau:
Cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước là cơ sở có chức năng đào tạo về bảo hiểm thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Cơ sở đào tạo do cơ quan nhà nước thành lập: Viện, học viện, trường đại học;
2. Cơ sở đào tạo thuộc hoặc trực thuộc các đơn vị do cơ quan nhà nước thành lập;
3. Cơ sở đào tạo khác có tư cách pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước là cơ sở có chức năng đào tạo về bảo hiểm thuộc cơ sở đào tạo do cơ quan nhà nước thành lập, do cơ quan nhà nước thành lập, cơ sở đào tạo khác có tư cách pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo