Trong Chương trình xóa mù chữ thì định hướng về phương pháp dạy đọc Môn Tiếng Việt như thế nào?
Trong Chương trình xóa mù chữ thì định hướng về phương pháp dạy đọc Môn Tiếng Việt như thế nào?
Tại tiểu tiết a tiết 1.2 tiểu mục 1 Mục IV Phần thứ hai Chương trình xóa mù chữ ban hành kèm theo Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT quy định về định hướng về phương pháp dạy đọc Môn Tiếng Việt trong Chương trình xóa mù chữ như sau:
Định hướng về phương pháp dạy đọc Môn Tiếng Việt trong Chương trình xóa mù chữ:
Mục đích chủ yếu của dạy đọc là giúp học viên biết đọc và tự đọc được văn bản; thông qua đó mà bồi dưỡng, giáo dục phẩm chất, nhân cách của học viên. Đối tượng đọc gồm văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Mỗi kiểu văn bản có những đặc điểm riêng, vì thế cần có cách dạy đọc hiểu văn bản phù hợp.
- Dạy đọc hiểu văn bản nói chung: Yêu cầu học viên đọc trực tiếp toàn bộ văn bản, chú ý quan sát các yếu tố hình thức của văn bản, từ đó có ấn tượng chung và tóm tắt được nội dung chính của văn bản; tổ chức cho học viên tìm kiếm, phát hiện, phân tích, suy luận ý nghĩa các thông tin chính trong văn bản; hướng dẫn học viên liên hệ, so sánh giữa các văn bản, kết nối văn bản với bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội, kết nối văn bản với trải nghiệm cá nhân học viên,... để hiểu giá trị của văn bản, biết vận dụng, chuyển hóa những giá trị ấy thành niềm tin và hành vi ứng xử của cá nhân trong cuộc sống hằng ngày.
- Dạy đọc hiểu văn bản văn học: Văn bản văn học cũng là một loại văn bản, nên dạy đọc hiểu văn bản văn học cũng cần tuân thủ cách đọc hiểu văn bản nói chung. Tuy nhiên, văn bản văn học có những đặc điểm riêng vì thế giáo viên tổ chức cho học viên tìm hiểu, giải mã văn bản văn học theo một quy trình phù hợp với đặc trưng của văn bản nghệ thuật.
Phương pháp dạy đọc phải tập trung kích hoạt việc đọc tích cực, sáng tạo ở chủ thể đọc. Hướng dẫn và khích lệ học viên chủ động, tự tin trong tiếp nhận tác phẩm; biết so sánh đối chiếu, liên hệ mở rộng, huy động vốn hiểu biết cá nhân, sử dụng trải nghiệm cuộc sống của bản thân để đọc hiểu, trải nghiệm văn học, phát hiện những giá trị đạo đức, văn hóa và triết lí nhân sinh, từ đó biết vận dụng, chuyển hóa thành giá trị sống. Khi dạy học đọc hiểu, giáo viên có những gợi ý, nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình thay thế cho những suy nghĩ của học viên; tránh đọc chép và hạn chế ghi nhớ máy móc. Sử dụng đa dạng các loại câu hỏi ở những mức độ khác nhau để thực hiện dạy học phân hóa và hướng dẫn học viên đọc hiểu văn bản, hình thành kĩ năng đọc.
Tùy vào đối tượng học viên ở từng giai đoạn và thể loại của văn bản văn học mà vận dụng các phương pháp, kĩ thuật và hình thức dạy học đọc hiểu cho phù hợp như: đọc phân vai, kể chuyện, đóng vai để giải quyết một tình huống, sử dụng câu hỏi, hướng dẫn ghi chép trong tiến trình đọc bằng các phiếu ghi chép, phiếu học tập, nhật kí đọc sách, tổ chức cho học viên thảo luận về văn bản,... Một số phương pháp dạy học khác như đàm thoại, vấn đáp, diễn giảng, nêu vấn đề,... cũng cần được vận dụng một cách phù hợp theo yêu cầu phát triển năng lực cho học viên.
Định hướng về phương pháp dạy đọc Môn Tiếng Việt trong Chương trình xóa mù chữ sẽ được tiến hành thực hiện theo quy định nêu trên.
Định hướng về phương pháp dạy đọc Môn Tiếng Việt trong Chương trình xóa mù chữ (Hình từ Internet)
Định hướng về phương pháp dạy viết Môn Tiếng Việt trong Chương trình xóa mù chữ?
Tại tiểu tiết b tiết 1.2 tiểu mục 1 Mục IV Phần thứ hai Chương trình xóa mù chữ ban hành kèm theo Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT quy định về định hướng về phương pháp dạy viết Môn Tiếng Việt trong Chương trình xóa mù chữ như sau:
Định hướng về phương pháp dạy viết Môn Tiếng Việt trong Chương trình xóa mù chữ:
Mục đích của dạy viết là rèn luyện tư duy và cách viết, qua đó mà giáo dục phẩm chất và phát triển nhân cách của học viên. Vì thế khi dạy viết, giáo viên chú trọng yêu cầu tạo ra ý tưởng và biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo và có sức thuyết phục.
Giáo viên tập trung vào yêu cầu hướng dẫn học viên các bước tạo lập văn bản, thực hành viết theo các bước và đặc điểm của kiểu văn bản. Thông qua thực hành, giáo viên hướng dẫn học viên phân tích các văn bản ở phần đọc hiểu và văn bản bổ sung để nắm được đặc điểm của các kiểu văn bản, quy trình tạo lập văn bản; sử dụng các câu hỏi giúp học viên xác định được mục đích và nội dung viết; giới thiệu các nguồn tư liệu, hướng dẫn cách tìm ý tưởng và phác thảo dàn ý; hướng dẫn học viên viết văn bản; tự chỉnh sửa và trao đổi dựa trên các tiêu chí đánh giá bài viết.
Nội dung dạy viết có hai yêu cầu: dạy kĩ thuật viết và dạy viết đoạn văn, văn bản. Dạy kĩ thuật viết (tập viết, chính tả) chủ yếu sử dụng phương pháp thực hành theo mẫu. Dạy viết đoạn văn, bài văn một cách linh hoạt, có thể sử dụng các phương pháp như rèn luyện theo mẫu, đặt câu hỏi, thảo luận nhóm, viết sáng tạo,...
Giáo viên sử dụng những phương pháp như phân tích mẫu, đặt câu hỏi, nêu vấn đề, gợi mở,... để hướng dẫn học viên hình thành dàn ý, lựa chọn cách triển khai, diễn đạt; tổ chức cho học viên thực hành viết văn bản, có thể viết từng phần: mở bài, kết bài, một hoặc một số đoạn trong thân bài.
Tổ chức dạy viết đoạn và bài văn thường gồm các hoạt động chủ yếu như: nêu nhiệm vụ mà học viên cần thực hiện; yêu cầu học viên làm việc cá nhân, cặp đôi hoặc theo nhóm; tổ chức trình bày kết quả làm việc, thảo luận về các nhiệm vụ được giao và tự rút ra nội dung bài học; nhận xét, đánh giá,...; sau khi viết xong, học viên cần có cơ hội nói, trình bày những gì đã viết.
Định hướng về phương pháp dạy viết Môn Tiếng Việt trong Chương trình xóa mù chữ sẽ được thực hiện theo quy định nói trên.
Định hướng về phương pháp dạy nói và nghe Môn Tiếng Việt trong Chương trình xóa mù chữ?
Tại tiểu tiết c tiết 1.2 tiểu mục 1 Mục IV Phần thứ hai Chương trình xóa mù chữ ban hành kèm theo Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT quy định về định hướng về phương pháp dạy nói và nghe Môn Tiếng Việt trong Chương trình xóa mù chữ như sau :
Định hướng về phương pháp dạy nói và nghe Môn Tiếng Việt trong Chương trình xóa mù chữ:
Mục đích của dạy nói và nghe là giúp học viên có khả năng diễn đạt, trình bày bằng ngôn ngữ nói một cách rõ ràng, tự tin; có khả năng hiểu đúng; biết tôn trọng người nói, người nghe; có thái độ phù hợp trong trao đổi, thảo luận. Dạy nói và nghe không chỉ phát triển năng lực giao tiếp mà còn giáo dục phẩm chất và nhân cách học viên.
Trong dạy nói, giáo viên tổ chức cho học viên thực hành; hướng dẫn cách thức, quy trình chuẩn bị một bài thuyết trình và trình bày trước nhóm, tổ, lớp; cách thức và quy trình chuẩn bị một cuộc thảo luận, tranh luận và cách tham gia thảo luận, tranh luận.
Trong dạy nghe, giáo viên hướng dẫn học viên cách nắm bắt được nội dung nghe, cách hiểu và đánh giá quan điểm, ý định của người nói; cách kiểm tra những thông tin chưa rõ; có thái độ nghe tích cực và tôn trọng người nói, tôn trọng những ý kiến khác biệt; cách hợp tác, giải quyết vấn đề với thái độ tích cực.
Đối với kĩ năng nói nghe tương tác, giáo viên hướng dẫn học viên biết lắng nghe và biết đặt câu hỏi để hiểu nội dung nghe, biết nói theo lượt lời trong hội thoại, biết dùng các phương tiện nghe nhìn khác để hỗ trợ cho lời trình bày miệng.
Thực hành nghe nói là hoạt động chính, nhằm rèn kĩ năng nghe nói cho học viên. Để tạo điều kiện cho mọi học viên được thực hành nói, giáo viên linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động học tập như: yêu cầu từng cặp học viên nói cho nhau nghe hoặc học viên trình bày bài nói trước nhóm, lớp; tổ chức cho học viên thảo luận, tranh luận, qua đó hiểu được tính chất tương tác của ngôn ngữ nói và hình thành thái độ tích cực, hợp tác khi trao đổi, thảo luận và có khả năng giải quyết vấn đề qua trao đổi, thảo luận; chia nhóm, lắng nghe nhận xét, rút kinh nghiệm dựa trên những hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá mà giáo viên cung cấp.
Định hướng về phương pháp dạy nói và nghe Môn Tiếng Việt trong Chương trình xóa mù chữ được thực hiện theo quy định trên.
Trân trọng!
Trần Thúy Nhàn