Chưa hoàn thành thủ tục nhập cảnh thì thuyền viên nước ngoài có thể xin cấp Giấy phép đi bờ được không?
Có thể xin cấp Giấy phép đi bờ của thuyền viên nước ngoài trước khi tàu thuyền nước ngoài hoàn thành thủ tục nhập cảnh không?
Căn cứ Điều 23 Nghị định 77/2017/NĐ-CP quy định cấp Giấy phép đi bờ của thuyền viên như sau:
1. Đối tượng được cấp Giấy phép đi bờ của thuyền viên
Thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài đã hoàn thành thủ tục nhập cảnh, thủ tục chuyển cảng đến, có nhu cầu đi bờ trong thời gian tàu thuyền neo đậu tại cửa khẩu cảng.
2. Giá trị sử dụng của Giấy phép đi bờ của thuyền viên
a) Chỉ có giá trị sử dụng trong một chuyến tàu;
b) Đối với thuyền viên nước ngoài trên tàu thuyền chuyên tuyến và tàu thuyền hoạt động tại vùng biển ngoài vùng nước cửa khẩu cảng, theo đề nghị của thuyền trưởng, Biên phòng cửa khẩu cảng cho phép thuyền viên được sử dụng Giấy phép đi bờ của thuyền viên trong nhiều chuyến, tàu với thời hạn không quá 01 tháng, kể từ ngày cấp;
c) Người làm thủ tục có trách nhiệm thu hồi Giấy phép đi bờ của thuyền viên hết giá trị sử dụng để nộp lại cho Biên phòng cửa khẩu cảng.
3. Thủ tục cấp Giấy phép đi bờ của thuyền viên
a) Người làm thủ tục đăng ký đề nghị đi bờ cho thuyền viên tại mục ghi chú trong Bản khai chung.
Trường hợp chưa đăng ký tại Bản khai chung, nếu thuyền viên có nhu cầu đi bờ, thuyền trưởng phải có văn bản đề nghị gửi Biên phòng cửa khẩu cảng;
b) Ngay sau khi tiếp nhận đề nghị cho phép thuyền viên đi bờ, Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện cấp Giấy phép đi bờ của thuyền viên tại trụ sở Biên phòng cửa khẩu cảng;
c) Lệ phí cấp Giấy phép đi bờ của thuyền viên theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Như vậy, bạn của anh/chị là thuyền viên làm việc trên tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài chỉ có thể xin Giấy phép đi bờ sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập cảnh, thủ tục chuyển cảng đến. Việc đi bờ chỉ được thực hiện trong thời gian tàu thuyền neo đậu tại cửa khẩu cảng.
Chưa hoàn thành thủ tục nhập cảnh thì thuyền viên nước ngoài có thể xin cấp Giấy phép đi bờ được không? (Hình từ Internet)
Giấy phép xuống tàu cấp cho người nước ngoài làm việc là bao nhiêu tháng?
Theo Điều 24 Nghị định 77/2017/NĐ-CP quy định cấp Giấy phép xuống tàu như sau:
1. Đối tượng được cấp Giấy phép xuống tàu
a) Giấy phép xuống tàu thời hạn 12 tháng:
Cấp cho người Việt Nam và người nước ngoài thuộc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thường xuyên xuống tàu thuyền nước ngoài làm việc không quá 12 tháng, trừ cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng;
b) Giấy phép xuống tàu thời hạn 03 tháng:
Cấp cho người Việt Nam và người nước ngoài thuộc các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có nhu cầu thường xuyên xuống tàu thuyền nước ngoài, người nước ngoài xuống tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài làm việc không quá 03 tháng, trừ cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng.
2. Giá trị sử dụng của Giấy phép xuống tàu
a) Giấy phép xuống tàu do một đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng cấp chỉ có giá trị sử dụng tại cửa khẩu cảng do đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng đó quản lý;
b) Khi hoạt động tại cửa khẩu cảng, người được cấp giấy phép có hành vi vi phạm pháp luật bị thu hồi Giấy phép xuống tàu.
3. Thủ tục cấp Giấy phép xuống tàu
a) Người đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu hoặc đại diện cơ quan, doanh nghiệp chủ quản nộp và xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng các loại giấy tờ sau:
Giấy tờ phải nộp: Giấy giới thiệu hoặc công văn đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu của cơ quan, doanh nghiệp chủ quản; 01 danh sách trích ngang của người đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu, thực hiện theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; riêng người đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu thời hạn 12 tháng phải nộp 01 ảnh màu cỡ 02 cm x 03 cm.
Giấy tờ phải xuất trình đối với người nước ngoài: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
b) Ngay sau khi tiếp nhận đầy đủ các loại giấy tờ quy định tại điểm a khoản này, Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện cấp Giấy phép xuống tàu;
c) Lệ phí cấp Giấy phép xuống tàu theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
4. Người được cấp Giấy phép xuống tàu phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và quy định ghi trong Giấy phép xuống tàu.
5. Biên phòng cửa khẩu cảng từ chối cấp Giấy phép xuống tàu và phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do đối với các trường hợp:
a) Vì lý do quốc phòng, an ninh;
b) Người đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu thuộc diện chưa cho xuất cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh Việt Nam; sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo hoặc hết giá trị;
c) Cần thiết để bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, Giấy phép xuống tàu cấp cho thuyền viên nước ngoài sẽ có 2 loại thời hạn quy định trên: Giấy phép xuống tàu thời hạn 12 tháng và Giấy phép xuống tàu thời hạn 03 tháng.
Người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cửa khẩu cảng cần phải chấp hành những gì?
Tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định 77/2017/NĐ-CP quy định người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cửa khẩu cảng như sau:
2. Người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cửa khẩu cảng
a) Phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
b) Phải chấp hành sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng và các lực lượng chức năng liên quan;
c) Chậm nhất 12 giờ, trước khi người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cảng, cơ quan, doanh nghiệp đón tiếp phải thông báo bằng văn bản cho Biên phòng cửa khẩu cảng về họ tên, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức người nước ngoài làm việc; thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc làm việc, nội dung công việc, nơi làm việc tại cửa khẩu cảng.
Như vậy, người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cửa khẩu cảng cần phải chấp hành những quy định trên.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh