Khi lên xe buýt có được mang hàng hóa cồng kềnh không?

Hôm trước tôi có mua đồ ở siêu thị và về bằng xe buýt. Lúc tôi lên xe thì phụ xe đã đuổi tôi xuống vì lý do tôi mang quá nhiều đồ. Vậy Luật sư cho tôi hỏi tôi có được mang hàng hoá cồng kềnh lên xe buýt không? Mong anh chị Luật sư tư vấn. Tôi cảm ơn.

Có được mang hàng hoá cồng kềnh lên xe buýt không?

Tại Điều 37 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định quyền hạn, trách nhiệm của hành khách đi xe buýt, theo đó:

Quyền hạn, trách nhiệm của hành khách đi xe buýt
1. Được mang theo hành lý với trọng lượng không quá 10 kg và kích thước không quá 30x40x60 cm.
2. Chấp hành các quy định khi đi xe và sự hướng dẫn của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
3. Yêu cầu nhân viên phục vụ trên xe xuất vé đúng loại sau khi trả tiền; giữ vé suốt hành trình và xuất trình vé khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra.
4. Được khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
5. Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Như vậy, bạn chỉ được mang theo hành lý với trọng lượng là không quá 10 kg và kích thước không được vượt quá 30x40x60 cm, nếu bạn mang theo hành lý quá trọng lượng, kích thước như trên thì phụ xe có quyền từ chối vận chuyển đối với bạn.

Khi lên xe buýt có được mang hàng hóa cồng kềnh không?

Khi lên xe buýt có được mang hàng hóa cồn kềnh không? (Hình từ Internet)

Mang hàng hóa cồng kềnh lên xe và không chấp hành hướng dẫn của phụ xe bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo Điều 32 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành khách đi xe vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, như sau:

Xử phạt hành khách đi xe vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông
1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hướng dẫn của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe về các quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;
b) Gây mất trật tự trên xe.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mang hóa chất độc hại, chất dễ cháy, nổ, hàng nguy hiểm hoặc hàng cấm lưu thông trên xe khách;
b) Đu, bám vào thành xe; đứng, ngồi, nằm trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý; tự ý mở cửa xe hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn khi xe đang chạy.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa, xâm phạm sức khỏe của người khác đi trên xe, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
4. Ngoài việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu hóa chất độc hại, chất dễ cháy, nổ, hàng nguy hiểm, hàng cấm lưu thông mang theo trên xe chở khách.

Hiện nay, khi hành khách mang hàng hóa cồng kềnh lên xe buýt thì không có mức phạt nhưng không chấp hành hướng dẫn của phụ xe thì hành khách sẽ bị phạt tiền 50.000 đồng đến 100.000 đồng.

Người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt có quyền hạn và trách nhiệm gì?

Căn cứ Điều 36 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định quyền hạn và trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt, như sau:

Quyền hạn và trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt
1. Thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn giao thông quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
2. Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu doanh nghiệp, hợp tác xã đã quy định.
3. Thực hiện đúng biểu đồ, hành trình chạy xe đã được phê duyệt.
4. Cung cấp thông tin về hành trình tuyến, các điểm dừng trên tuyến khi hành khách yêu cầu; hướng dẫn và giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em) khi lên, xuống xe; có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự.
5. Có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên xe hoặc đang bị dịch bệnh nguy hiểm; có quyền từ chối và không được chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống, hàng hóa là thực phẩm bẩn hoặc hành lý có khối lượng, kích thước vượt quá quy định tại khoản 1 Điều 37 của Thông tư này.
6. Có trách nhiệm từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn, phương tiện không lắp thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với loại phương tiện bắt buộc phải lắp) hoặc có lắp thiết bị nhưng không hoạt động.
7. Giữ gìn vệ sinh phương tiện, không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe.
8. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và quy định pháp luật khác có liên quan.

Với quy định này thì người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt có quyền hạn và trách nhiệm theo những nội dung nêu trên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hàng hóa

Nguyễn Minh Tài

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào