Có làm được căn cước công dân không nếu bị mất dấu vân tay?
Mất dấu vân tay có được làm căn cước công dân không?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA quy định về thu nhận vân tay công dân trong làm Căn cước công dân như sau:
Thu nhận vân tay phẳng của 4 ngón chụm bàn tay phải (ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út);
Thu nhận vân tay phẳng của 4 ngón chụm bàn tay trái (ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út);
Thu nhận vân tay phẳng của 2 ngón cái chụm;
Thu nhận vân tay lăn 10 ngón theo thứ tự: Ngón cái phải, ngón trỏ phải, ngón giữa phải, ngón áp út phải, ngón út phải, ngón cái trái, ngón trỏ trái, ngón giữa trái, ngón áp út trái, ngón út trái.
Trường hợp không thu nhận được đủ 10 vân tay của công dân thì mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.
Như vậy, trong trường hợp không thu nhận được đủ 10 vân tay của công dân thì tình trạng vân tay của công dân sẽ được mô tả và nhập thông tin và tiếp tục các thủ tục để làm Căn cước công dân.
Do đó, trong trường hợp bị mất vân tay bạn vẫn có thể làm Căn cước công dân và cần phải thông báo cho cơ quan công an nơi thực hiện thủ tục thu nhận thông tin làm Căn cước công dân về tình trạng vân tay của bạn sẽ để được ghi nhận lại và tiếp tục thụ tục làm Căn cước công dân.
Có làm được căn cước công dân không nếu bị mất dấu vân tay? (Hình từ Internet)
Có thể nhận Căn cước công dân tại nhà không?
Theo Điều 10 Thông tư 60/2021/TT-BCA quy định trả thẻ Căn cước công dân và kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:
1. Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm:
a) Trả thẻ Căn cước công dân và cập nhật dữ liệu kết quả phê duyệt cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho đơn vị tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân ban đầu;
b) Cập nhật dữ liệu kết quả phê duyệt cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kiến nghị xác lập lại số định danh cá nhân (nếu có) theo quy định.
2. Đơn vị tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm:
a) Trả thẻ Căn cước công dân, Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân (nếu có).
Đối với trường hợp công dân đăng ký trả kết quả tại địa chỉ theo yêu cầu thì bàn giao thẻ Căn cước công dân, Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân (nếu có) cho đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát để trả cho công dân.
b) Chuyển hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân về tàng thư căn cước công dân nơi công dân đăng ký thường trú theo quy định;
c) Xóa dữ liệu cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trên phần mềm thu nhận hồ sơ căn cước công dân sau 06 tháng kể từ ngày thu nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Theo quy định trên, công dân có thể đăng ký trả kết quả tại địa chỉ theo yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền sẽ giao cho đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát để trả cho công dân.
Vậy, bạn có thể đăng ký để được nhận Căn cước công dân tại nhà.
Quy định về hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cần tra cứu tàng thư căn cước công dân?
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 60/2021/TT-BCA quy định về hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cần tra cứu tàng thư căn cước công dân như sau:
1. Các trường hợp phải tra cứu qua tàng thư căn cước công dân gồm:
a) Chứng minh nhân dân 9 số bị mất hoặc hư hỏng không thể xác định được đầy đủ nội dung thông tin trên Chứng minh nhân dân 9 số;
b) Khi cần xác minh, đối chiếu thông tin về công dân trong tàng thư căn cước công dân.
2. Hồ sơ tra cứu gồm: Phiếu giao nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cần tra cứu; Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân.
3. Duyệt hồ sơ tra cứu:
a) Tại Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện):
Trường hợp tra cứu tàng thư căn cước công dân trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội duyệt hồ sơ tra cứu và gửi đến Đội tàng thư căn cước công dân thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để tra cứu.
Trường hợp tra cứu tàng thư căn cước công dân ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Trưởng Công an cấp huyện duyệt hồ sơ tra cứu và gửi đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nơi cần tra cứu;
b) Tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội:
Trường hợp tra cứu tàng thư căn cước công dân trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Đội trưởng phụ trách công tác cấp, quản lý căn cước công dân (sau đây viết gọn là Đội trưởng Đội căn cước công dân) duyệt hồ sơ tra cứu và gửi đến Đội tàng thư căn cước công dân thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để tra cứu.
Trường hợp tra cứu tàng thư căn cước công dân ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội duyệt hồ sơ tra cứu và gửi đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nơi cần tra cứu;
c) Tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư:
Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư duyệt hồ sơ cần tra cứu và gửi đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nơi cần tra cứu.
4. Đơn vị nhận được yêu cầu tra cứu có trách nhiệm tra cứu theo nội dung, thời hạn tra cứu và gửi kết quả tra cứu cho đơn vị yêu cầu.
Trên đây là quy định về hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cần tra cứu tàng thư căn cước công dân.
Trân trọng!
Trần Thúy Nhàn