Có bị đình chỉ hoạt động không khi không đảm bảo đủ số lượng kiểm toán viên tại chi nhánh công ty?
Không đảm bảo đủ số lượng kiểm toán viên tại chi nhánh công ty có bị đình chỉ hoạt động không?
Tại Điều 31 Luật kiểm toán độc lập 2011 quy định chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán, cụ thể như sau:
1. Điều kiện để chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán được kinh doanh dịch vụ kiểm toán:
a) Doanh nghiệp kiểm toán có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định tại Điều 21 của Luật này;
b) Chi nhánh có ít nhất hai kiểm toán viên hành nghề, trong đó có Giám đốc chi nhánh. Hai kiểm toán viên hành nghề không được đồng thời là kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại trụ sở chính hoặc chi nhánh khác của doanh nghiệp kiểm toán.
c) Được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.
2. Chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán không bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này sau ba tháng liên tục thì bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
3. Trường hợp doanh nghiệp kiểm toán bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì các chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán đó cũng bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Theo đó, chi nhánh phải có ít nhất hai kiểm toán viên hành nghề, trong đó có Giám đốc chi nhánh thì mới đủ kiều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Nếu ba tháng liên tục mà không đảm bảo điều kiện về kiểm toán viên thì sẽ bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Có bị đình chỉ hoạt động không khi không đảm bảo đủ số lượng kiểm toán viên tại chi nhánh công ty? (Hình từ Internet)
Cá nhân ký báo cáo kiểm toán khi không phải là kiểm toán viên hành nghề bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Khoản 2 Điều 48 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định như sau:
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với kiểm toán viên thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Ký báo cáo kiểm toán khi không phải là kiểm toán viên hành nghề;
b) Ký báo cáo kiểm toán quá ba năm liên tục cho một đơn vị được kiểm toán.
Tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 19; khoản 1, khoản 3 Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 26; Điều 33; Điều 34; khoản 1, khoản 3 Điều 36; khoản 1 Điều 38; khoản 2, khoản 3 Điều 39; khoản 1, khoản 2 Điều 48; khoản 1 Điều 57; khoản 1, khoản 2 Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, cá nhân khi ký báo cáo kiểm toán nhưng không phải kiểm toán viên hành nghề sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Doanh nghiệp kiểm toán chấm dứt kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong các trường hợp nào?
Căn cứ Điều 34 Luật kiểm toán độc lập 2011 quy định chấm dứt kinh doanh dịch vụ kiểm toán, theo đó:
1. Doanh nghiệp kiểm toán chấm dứt kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong các trường hợp sau đây:
a) Tự chấm dứt;
b) Bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể;
c) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
d) Giám đốc doanh nghiệp tư nhân chết;
đ) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
2. Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam chấm dứt kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong các trường hợp sau đây:
a) Theo quyết định của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đã thành lập chi nhánh;
b) Theo quy định tại điểm c và điểm đ khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp chấm dứt kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, doanh nghiệp kiểm toán phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày chấm dứt.
4. Bộ Tài chính quy định cụ thể về thủ tục chấm dứt kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Với quy định nêu trên thì doanh nghiệp kiểm toán sẽ phải chấm dứt kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong các trường hợp trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài