Cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa có điều kiện về điều kiện về đội ngũ giáo viên như thế nào?
Điều kiện về đội ngũ giáo viên của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 78/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 128/2018/NĐ-CP điều kiện về đội ngũ giáo viên của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa như sau:
1. Tiêu chuẩn chung của giáo viên, gồm: Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất, đạo đức tốt; có đủ sức khỏe làm việc; đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm kỹ thuật trở lên hoặc có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nếu không tốt nghiệp các trường cao đẳng sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm kỹ thuật.
2. Đối với giáo viên dạy lý thuyết, ngoài tiêu chuẩn chung quy định tại Khoản 1 Điều này, giáo viên dạy lý thuyết còn phải tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề đúng chuyên ngành hoặc tương đương chuyên ngành được phân công giảng dạy, theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.
3. Đối với giáo viên dạy thực hành, ngoài tiêu chuẩn chung quy định tại Khoản 1 Điều này, còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:
a) Giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng cao hơn ít nhất 01 hạng so với hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn được phân công giảng dạy;
b) Giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và có thời gian đảm nhiệm chức danh hạng nhất từ 36 tháng trở lên.
4. Cơ sở đào tạo phải có tối thiểu 50% giáo viên cơ hữu tham gia giảng dạy theo từng chương trình loại, hạng.
Đội ngũ giáo viên của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa phải đạt các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn riêng được quy định ở trên.
Cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa có điều kiện về điều kiện về đội ngũ giáo viên như thế nào? (Hình từ Internet)
Phân loại cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 78/2016/NĐ-CP việc phân loại cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa như sau:
1. Cơ sở đào tạo loại 1: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp các loại giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa.
2. Cơ sở đào tạo loại 2: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn từ hạng nhì trở xuống, chứng chỉ chuyên môn.
3. Cơ sở đào tạo loại 3: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn từ hạng ba trở xuống, chứng chỉ chuyên môn.
4. Cơ sở đào tạo loại 4: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng tư, chứng chỉ nghiệp vụ.
Cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được chia thành 04 loại với mỗi chức năng đào tạo khác nhau được quy định ở trên.
Điều kiện về phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 78/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 128/2018/NĐ-CP điều kiện về phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa như sau:
Hệ thống phòng học chuyên môn và phòng thi, kiểm tra phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra; xưởng thực hành; khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, bao gồm: Phòng học pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, phòng học điều khiển phương tiện thủy nội địa, phòng học lý thuyết máy - điện và phòng học thủy nghiệp cơ bản. Phòng thi, kiểm tra có thể được bố trí chung với các phòng học chuyên môn.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn