Có được giữ lại số cũ khi làm lại chứng minh nhân dân không?
Làm lại chứng minh nhân dân có được giữ lại số cũ không?
Tại Tiểu mục 4 Mục I Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) quy định về số và thời hạn sử dụng của chứng minh nhân dân như sau:
4. Số và thời hạn sử dụng của CMND.
CMND có giá trị sử dụng 15 năm. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp.
Như vậy, trường hợp bạn mất chứng minh nhân dân và đi làm lại thì số chứng minh của bạn vẫn được giữ theo đúng với số cũ đã có trên chứng minh nhân dân đã cấp trước đó.
Có được giữ lại số cũ khi làm lại chứng minh nhân dân không? (Hình từ Internet)
Thủ tục cấp lại chứng minh nhân dân được quy định như thế nào?
Tại Tiết c Tiểu mục 2 Mục II Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) quy định về thủ tục cấp lại chứng minh nhân dân như sau:
c- Thủ tục đổi, cấp lại CMND.
- Đơn trình bầy rõ lý do đổi CMND hoặc cấp lại, có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;
- Xuất trình hộ khẩu thường trú (Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;
- Đối với những trường hợp thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đổi lại CMND phải xuất trình Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung trên đây;
- Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới);
- Kê khai tờ khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu;
- Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và CMND;
- Nộp lệ phí;
- Các trường hợp đổi CMND phải nộp lại giấy CMND theo Quyết định số 143/CP ngày 9-8-1976 của Hội đồng Chính phủ (nếu có), CMND đã hết hạn sử dụng, hư hỏng hoặc có thay đổi nội dung cho cơ quan công an ngay khi làm thủ tục đổi để lưu chung với hồ sơ.
Những trường hợp mất hồ sơ do thất lạc, hoả hoạn, bão lụt và các trường hợp bất khả kháng, cơ quan công an phải thông báo khi công dân đến làm thủ tục cấp đổi, cấp lại CMND thì làm thủ tục cấp mới cho những đối tượng này.
Theo đó, đối với trường hợp bạn xin cấp lại chứng minh nhân dân thì bạn phải thực hiện theo đúng trình tự thủ tục đã quy đinh nêu trên.
Quyền và trách nhiệm của công dân trong việc sử dụng chứng minh nhân dân như thế nào?
Tại Tiểu mục 3 Mục I Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) quy định về quyền và trách nhiệm của công dân trong việc sử dụng chứng minh nhân dân như sau:
3. Quyền và trách nhiệm công dân:
a- Công dân được sử dụng CMND của mình làm giấy tờ tuỳ thân trong việc đi lại và thực hiện các giao dịch. Mọi công dân phải có trách nhiệm mang theo CMND và xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.
b- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên có nghĩa vụ đến cơ quan Công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp CMND theo quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3-2-1999.
c- Công dân có trách nhiệm đến công an cấp huyện để đổi lại CMND trong các trường hợp phải đổi CMND, cấp lại CMND nếu mất. Đến công an phường, xã trình báo trong trường hợp bị thu hồi CMND.
d- Những trường hợp mất CMND đã được cấp lại CMND khác, nếu tìm thấy CMND đã mất thì phải nộp lại cho cơ quan công an nơi làm thủ tục cấp lại, người nào nhặt được giấy CMND của người khác phải nộp cho cơ quan Công an. Nghiêm cấm một người sử dụng hai hoặc nhiều CMND.
Trên đây là quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc sử dụng chứng minh nhân dân.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi