Quy định về bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa là gì?
Bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa ra sao?
Tại Điều 10 Nghị định 45/2018/NĐ-CP quy định về bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa như sau:
1. Bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm là việc Nhà nước giao cho doanh nghiệp thực hiện nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm để thanh toán kinh phí bảo trì tài sản. Hình thức bảo trì này được áp dụng đối với việc nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa có sản phẩm tận thu.
2. Việc bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm phải được lập thành dự án và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đấu thầu.
3. Kinh phí bảo trì luồng đường thủy nội địa, giá trị sản phẩm tận thu được xác định như sau:
a) Kinh phí bảo trì luồng đường thủy nội địa được xác định và thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan;
b) Giá trị sản phẩm tận thu được xác định trên cơ sở khối lượng (trữ lượng) sản phẩm tận thu, giá sản phẩm tận thu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật; không bao gồm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí.
4. Kinh phí thực hiện bảo trì luồng đường thủy nội địa, giá trị sản phẩm tận thu quy định tại khoản 3 Điều này được điều chỉnh thay đổi trong trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện:
a) Điều chỉnh quy mô, thiết kế luồng đường thủy nội địa theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;
b) Điều chỉnh khối lượng (trữ lượng) sản phẩm tận thu so với khối lượng (trữ lượng) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
5. Giá trị thanh toán Hợp đồng bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm là phần chênh lệch giữa kinh phí bảo trì luồng đường thủy nội địa và giá trị sản phẩm tận thu theo Hợp đồng ký kết và giá trị điều chỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều này (nếu có). Việc thanh toán Hợp đồng bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm thực hiện như sau:
a) Trường hợp kinh phí bảo trì luồng đường thủy nội địa nhỏ hơn giá trị sản phẩm tận thu thì doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phần chênh lệch vào ngân sách nhà nước;
b) Trường hợp kinh phí bảo trì luồng đường thủy nội địa lớn hơn giá trị sản phẩm tận thu thì Nhà nước thực hiện thanh toán phần chênh lệch cho doanh nghiệp. Kinh phí thanh toán phần chênh lệch được sử dụng từ nguồn kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa của năm thực hiện (nếu đã được bố trí) hoặc được tổng hợp, bổ sung vào kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa năm tiếp theo theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
6. Nội dung quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này phải được đưa vào hồ sơ mời thầu, Hợp đồng kinh tế và các Phụ lục Hợp đồng ký kết giữa các bên (nếu có).
7. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện bảo trì theo hình thức nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm; tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa và các nội dung khác có liên quan được thực hiện theo quy định của Chính phủ về quy chế quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa và pháp luật có liên quan.
Bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm là việc Nhà nước giao cho doanh nghiệp thực hiện nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm để thanh toán kinh phí bảo trì tài sản. Hình thức bảo trì này được áp dụng đối với việc nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa có sản phẩm tận thu.
Quy định về bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa là gì? (Hình từ Internet)
Tổ chức thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước về công tác bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa như thế nào?
Tại Điều 9 Nghị định 45/2018/NĐ-CP quy định về tổ chức thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước về công tác bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa như sau:
1. Trình tự thủ tục lập, giao dự toán chi ngân sách nhà nước về công tác bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hằng năm thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước:
a) Căn cứ tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá bảo trì, khối lượng công việc cần thực hiện và kế hoạch bảo trì được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan được giao quản lý tài sản lập dự toán chi ngân sách nhà nước về công tác bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa (trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 5 Điều 8 Nghị định này), trình Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
b) Trên cơ sở Quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước của cơ quan, người có thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao dự toán ngân sách nhà nước về công tác bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa cho cơ quan được giao quản lý tài sản thuộc phạm vi quản lý;
c) Cơ quan được giao quản lý tài sản (ở trung ương và địa phương) tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước về công tác bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.
2. Trình tự, thủ tục lập, giao dự toán chi ngân sách nhà nước về công tác bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa trung hạn 3 năm và 5 năm thực hiện theo quy định của pháp luật về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm và kế hoạch tài chính 5 năm.
Trình tự thủ tục lập, giao dự toán chi ngân sách nhà nước về công tác bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hằng năm thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước theo quy định trên.
Phương thức và nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa là gì?
Tại Điều 11 Nghị định 45/2018/NĐ-CP quy định về phương thức và nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa như sau:
1. Phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa:
a) Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa trực tiếp tổ chức khai thác tài sản;
b) Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;
c) Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
2. Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa gồm:
a) Phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;
b) Tiền thu từ giá dịch vụ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa và các khoản thu khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật;
c) Tiền thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này trong trường hợp cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.
3. Đối với các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ mục đích công cộng, không áp dụng các phương thức khai thác tài sản quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì cơ quan được giao quản lý tài sản thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định; không phải lập Đề án khai thác tài sản trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Mục này. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý phục vụ mục đích công cộng không áp dụng các phương thức khai thác tài sản quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này trên cơ sở đề nghị của cơ quan được giao quản lý tài sản.
Phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được quy định cụ thể trên.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi