Đạo đức nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ có tiêu chuẩn đạo đức như nào?
Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ?
Tại Điều 4 Thông tư 07/2022/TT-BNV quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ:
1. Trung thực, khách quan, tận tụy, trách nhiệm, khiêm tốn, đoàn kết, phối hợp hiệu quả với đồng nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
2. Tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong thực hiện các quy trình nghiệp vụ lưu trữ.
3. Giữ gìn bí mật thông tin tài liệu theo đúng quy định của pháp luật và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Chủ động nghiên cứu, đề xuất ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, sáng kiến vào công tác lưu trữ.
Đạo đức nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ có tiêu chuẩn đạo đức như nào? (Hình từ Internet)
Căn cứ, nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ?
Theo Điều 5 Thông tư 07/2022/TT-BNV quy định căn cứ, nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, theo đó:
1. Việc cử viên chức chuyên ngành lưu trữ tham dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và phù hợp với cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Viên chức chuyên ngành lưu trữ được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật.
3. Việc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ phải bảo đảm theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
4. Kết quả thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ không được bảo lưu cho các kỳ thi hoặc xét thăng hạng lần sau.
Lưu trữ viên chính chuyên ngành lưu trữ - Mã số: V.01.02.01 được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 07/2022/TT-BNV quy định như sau:
1. Nhiệm vụ
a) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng văn bản, tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về lưu trữ;
b) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, quản trị cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử, hệ thống công cụ tra cứu;
c) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ lưu trữ;
d) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng đề tài, công trình khoa học về lưu trữ và các lĩnh vực có liên quan;
đ) Tổ chức thực hiện các hoạt động: sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ, chỉnh lý, giải mật, xác định giá trị, bảo quản, thống kê, số hóa, giới thiệu và tổ chức khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ, tu bổ, phục chế, bảo hiểm tài liệu lưu trữ;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền giao.
2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của ngành;
b) Có kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ lưu trữ; nắm vững lý luận, lịch sử, thực tiễn công tác lưu trữ Việt Nam và vận dụng có hiệu quả vào lĩnh vực lưu trữ;
c) Có năng lực quản lý, hướng dẫn, kiểm tra trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ;
d) Có năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lưu trữ;
đ) Có kỹ năng xây dựng, soạn thảo, thuyết trình, tổ chức và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về lưu trữ;
e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, quản trị cơ sở dữ liệu, sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc đối với viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm.
3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Tốt nghiệp đại học trở lên ngành lưu trữ. Trường hợp tốt nghiệp đại học trở lên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành lưu trữ.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài