Quy định như thế nào về đường đáy trọng lực quốc gia? Hệ thống kiểm định phương tiện đo trọng lực quốc gia được quy định như thế nào?
Đường đáy trọng lực quốc gia được quy định như thế nào?
Tại Điều 15 Thông tư 11/2020/TT-BTNMT quy định như sau:
1. Mỗi đường đáy trọng lực có từ 6 đến 8 mốc, khoảng cách giữa các mốc từ 2 - 5 km. Các mốc của đường đáy trọng lực phải được bố trí ở khu vực địa hình có độ chênh gia tốc lực trọng trường giữa các mốc liền kề từ 20 mGal đến 50 mGal nhằm đảm bảo kiểm định đủ dải đo của phương tiện đo, có điều kiện địa chất ổn định, không có nguy cơ tác động do con người và tự nhiên, nhằm sử dụng lâu dài.
2. Quy cách, kích thước mốc trọng lực đường đáy được xây dựng ở ngoài trời tương tự như mốc trọng lực cơ sở.
3. Mốc trọng lực đường đáy được đo bằng phương pháp trọng lực tương đối. Độ chính xác xác định giá trị gia tốc lực trọng trường của mốc đường đáy phải ≤ ± 0,010 mGal.
4. Các mốc trọng lực đường đáy được xác định tọa độ, độ cao như mốc trọng lực cơ sở.
Mỗi đường đáy trọng lực có từ 6 đến 8 mốc, khoảng cách giữa các mốc từ 2 - 5 km. Các mốc của đường đáy trọng lực phải được bố trí ở khu vực địa hình có độ chênh gia tốc lực trọng trường giữa các mốc liền kề từ 20 mGal đến 50 mGal nhằm đảm bảo kiểm định đủ dải đo của phương tiện đo, có điều kiện địa chất ổn định, không có nguy cơ tác động do con người và tự nhiên, nhằm sử dụng lâu dài. Các mốc, kích thước được quy định cụ thể ở trên.
Quy định như thế nào về đường đáy trọng lực quốc gia? (Hình từ Internet)
Kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo trọng lực quốc gia như thế nào?
Theo Điều 16 Thông tư 11/2020/TT-BTNMT quy định như sau:
1. Kiểm định phương tiện đo trọng lực tuyệt đối bao gồm các nội dung sau:
a) Kiểm tra mức độ đầy đủ của các phương tiện đo trọng lực, các thiết bị phụ trợ kèm theo bao gồm: bộ điều khiển, giá đỡ buồng rơi, giá đỡ lò xo, buồng rơi, buồng lò xo, bộ phát tia laser, bơm ion, máy đo giao thoa, máy tính xách tay và phần mềm, dây cáp nối;
b) Kiểm tra độ cân bằng của phương tiện đo trọng lực thông qua bọt thủy của buồng rơi và buồng lò xo;
c) Kiểm tra và điều chỉnh điện áp của nguồn phát tia laser;
d) Kiểm tra cường độ tia laser phát ra, sự ổn định của đường đi của tia laser;
đ) Kiểm tra điện áp cấp cho buồng chân không;
e) Kiểm tra buồng rơi, vân giao thoa thông qua máy đo giao thoa.
2. Kiểm định phương tiện đo trọng lực tương đối bao gồm các nội dung sau:
a) Kiểm tra mức độ đầy đủ các phụ trợ kèm theo phương tiện đo trọng lực, các phụ trợ kèm theo phương tiện đo trọng lực gồm: phương tiện đo trọng lực tương đối, máy tính xách tay, dây cáp nối, ắc quy và pin dự phòng;
b) Kiểm tra độ nhạy của hệ thống đàn hồi, bọt nước, đèn chiếu sáng, thang chia vạch, vòng xoay của ốc đọc số, hoạt động của ốc cân bằng phương tiện đo;
c) Theo dõi dịch chuyển điểm “0” của phương tiện đo trọng lực tại phòng kiểm định ở trạng thái tĩnh theo quy định kỹ thuật của nhà sản xuất, đảm bảo cho số đọc trên phương tiện đo ở dạng đồ thị tuyến tính trong suốt thời gian kiểm định. Ở trạng thái động, giá trị vạch chia ốc đọc số (hằng số “C”) được thực hiện trên đường đáy trọng lực quốc gia theo quy định tại Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Đo trên các mốc đường đáy và so sánh hiệu gia tốc lực trọng trường đo được trên các cạnh của đường đáy với giá trị chuẩn của nó, sai lệch không vượt quá ± 10% độ chính xác theo tiêu chuẩn của phương tiện đo.
3. Kiểm định phương tiện đo gradient tại phòng kiểm định. Tiến hành đo gradient tại các vị trí tương ứng với các độ cao 0,25 m; 0,50 m; 0,75 m; 1,00 m so với mặt mốc, so sánh giá trị gradient đo được với giá trị chuẩn của nó. Yêu cầu sai lệch không vượt quá ± 10% độ chính xác theo tiêu chuẩn của phương tiện đo gradient.
4. Khi các yếu tố trên không đạt yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất phải tiến hành hiệu chuẩn. Việc hiệu chuẩn các phương tiện đo trọng lực sau khi kiểm định theo quy định kỹ thuật của nhà sản xuất.
Kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo trọng lực quốc gia được quy định cụ thể như trên.
Hệ thống kiểm định phương tiện đo trọng lực quốc gia được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 14 Thông tư 11/2020/TT-BTNMT quy định như sau:
1. Hệ thống kiểm định phương tiện đo trọng lực tuyệt đối bao gồm:
a) Mốc kiểm định được thiết kế theo quy cách mốc cơ sở gồm 02 mốc cách nhau ≤1m được đặt trong phòng kiểm định, 02 mốc có chênh cao ≤ 1m;
b) Thiết bị kiểm định bộ phận quang học của phương tiện đo trọng lực;
c) Thiết bị kiểm định sự ổn định của các bộ phận điện tử của phương tiện đo trọng lực;
d) Phương tiện đo nhiệt độ, áp suất, độ ẩm.
2. Hệ thống kiểm định phương tiện đo trọng lực tương đối bao gồm:
a) Mốc trọng lực tại phòng kiểm định phục vụ kiểm định dịch chuyển điểm “0” của phương tiện đo trọng lực tương đối ở trạng thái tĩnh;
b) Đường đáy trọng lực phục vụ kiểm định hằng số “C” và dịch chuyển điểm “0” của phương tiện đo trọng lực tương đối ở trạng thái động.
Hệ thống kiểm định phương tiện đo trọng lực quốc gia bao gồm hệ thống kiểm định tương đối và hệ thống kiểm định tuyệt đối.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài