Mức xử phạt hành chính khi đăng tải hình ảnh trẻ em lấy trộm đồ trên mạng xã hội như thế nào?
- Đăng tải hình ảnh trẻ em lấy trộm đồ trên mạng xã hội bị xử phạt hành chính như thế nào?
- Đăng tải hình ảnh trẻ em và bêu rếu hành vi trẻ em lấy lấy trộm đồ trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
- Người có hành vi đánh trẻ trẻ em vì lấy trộm đồ bị xử phạt hành chính như thế nào?
Đăng tải hình ảnh trẻ em lấy trộm đồ trên mạng xã hội bị xử phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ Khoản 1 Điều 36 Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định về các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng như sau:
1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
Theo Khoản 11 Điều 6 Luật trẻ em 2016 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
11. Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Tại Điều 31 Nghị định 130/2021/NĐ-CP vi phạm quy định về cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em như sau:
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên, gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;
b) Thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này.
Theo quy định Khoản 2 Điều 5 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền như sau:
2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.
Theo đó, hành vi chia sẻ những thông tin liên quan đến trẻ em cần phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.
Hành vi của người chủ shop chia sẻ hình ảnh của đứa bé lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và buộc xin lỗi khi có yêu cầu, thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.
Mức xử phạt hành chính khi đăng tải hình ảnh trẻ em lấy trộm đồ trên mạng xã hội như thế nào? (Hình từ Internet)
Đăng tải hình ảnh trẻ em và bêu rếu hành vi trẻ em lấy lấy trộm đồ trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội làm nhục người khác như sau:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, chủ cửa hàng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, thái độ, nhận thức của người có hành vi vi phạm, hậu quả của hành vi... mà người chủ có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.
Đồng thời, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Người có hành vi đánh trẻ trẻ em vì lấy trộm đồ bị xử phạt hành chính như thế nào?
Theo Điểm a Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;
Và Khoản 2 Điều 5 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.
Như vậy, người có hành vi đánh trẻ trẻ em vì lấy trộm đồ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo