Quy định về chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là gì?
Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia như thế nào?
Tại Điều 14 Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định về chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia như sau:
1. Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là việc Nhà nước chuyển giao quyền khai thác trong một khoảng thời gian nhất định gắn với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện có theo dự án đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo Hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.
2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan.
3. Việc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thực hiện thông qua hình thức đấu giá. Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp để tham gia đấu giá gồm:
a) Năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật chuyên ngành về đường sắt và pháp luật có liên quan;
b) Năng lực về tài chính để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
4. Thời hạn chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được xác định cụ thể cho từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng không quá 50 năm.
5. Hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia:
a) Văn bản đề nghị phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản: 01 bản chính;
b) Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính;
c) Hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.
6. Lập, phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia:
a) Cơ quan được giao quản lý tài sản lập 01 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia quy định tại khoản 5 Điều này, báo cáo Bộ Giao thông vận tải;
b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giao thông vận tải có văn bản kèm theo bản sao hồ sơ quy định tại khoản 5 Điều này gửi lấy ý kiến của Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan về Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;
c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm cho ý kiến về các nội dung sau: Tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; sự cần thiết, sự phù hợp của Đề án trong việc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật chuyên ngành về đường sắt và pháp luật có liên quan; sự phù hợp về cơ sở và phương pháp xác định giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; các nội dung trong Đề án cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp;
d) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến tham gia của Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cơ quan được giao quản lý tài sản tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ; trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có văn bản (kèm theo bản sao hồ sơ quy định tại khoản 5 Điều này và ý kiến của các cơ quan có liên quan) báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo thẩm quyền hoặc có văn bản chỉ đạo trong trường hợp Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chưa phù hợp;
đ) Căn cứ Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cơ quan được giao quản lý tài sản tổ chức đấu giá để lựa chọn doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều này và ký Hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật;
7. Hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Thông tin của bên chuyển nhượng;
b) Thông tin của doanh nghiệp nhận chuyển nhượng;
c) Danh mục tài sản được chuyển nhượng quyền khai thác;
d) Thời hạn chuyển nhượng; giá chuyển nhượng; phương thức và thời hạn thanh toán; hạng mục công trình đầu tư, nâng cấp và các nội dung cần thiết khác;
đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
e) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
8. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày ký Hợp đồng, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng có trách nhiệm thanh toán tiền chuyển nhượng cho cơ quan được giao quản lý tài sản theo Hợp đồng. Cơ quan được giao quản lý tài sản có trách nhiệm nộp tiền vào tài khoản tạm giữ trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tiền chuyển nhượng.
Trường hợp quá thời hạn quy định tại khoản này mà doanh nghiệp nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số tiền theo Hợp đồng đã ký kết thì cơ quan được giao quản lý tài sản có văn bản đề nghị kèm theo bản sao Hợp đồng chuyển nhượng và chứng từ về việc nộp tiền của doanh nghiệp nhận chuyển nhượng (nếu có) gửi Cục thuế (nơi có tài sản) để xác định và ra Thông báo về số tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Thời hạn nộp tiền cụ thể và quy định việc nộp tiền chậm nộp phải được ghi rõ tại Quy chế bán đấu giá, Hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.
9. Quyền của doanh nghiệp nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia:
a) Được sử dụng, kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật và Hợp đồng ký kết;
b) Được hưởng các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật khác có liên quan;
c) Được sử dụng tài sản do doanh nghiệp đầu tư, quyền khai thác tài sản để huy động vốn theo quy định của pháp luật;
d) Được thu phí, giá dịch vụ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và khoản thu khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật và Hợp đồng ký kết;
đ) Được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích bị xâm phạm.
10. Nghĩa vụ của doanh nghiệp nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia:
a) Có trách nhiệm thực hiện đầu tư dự án nhận chuyển nhượng theo quy hoạch, đúng tiến độ, chất lượng; thực hiện bảo trì đúng yêu cầu kỹ thuật và các quy định khác tại Hợp đồng đã ký kết;
b) Thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo Hợp đồng ký kết;
c) Định kỳ hoặc đột xuất thông báo với cơ quan được giao quản lý tài sản về tình trạng của tài sản, đảm bảo hoạt động giao thông vận tải đường sắt quốc gia thông suốt, an toàn;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm các quy định trong Hợp đồng ký kết.
Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là việc Nhà nước chuyển giao quyền khai thác trong một khoảng thời gian nhất định gắn với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện có theo dự án đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo Hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.
Quy định về chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là gì? (Hình từ Internet)
Giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia ra sao?
Tại Điều 15 Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định về giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia như sau:
1. Giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là khoản tiền doanh nghiệp thuê, nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản phải trả cho Nhà nước để được sử dụng, khai thác tài sản theo Hợp đồng ký kết.
2. Giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được xác định như sau:
a) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia liên quan trực tiếp đến chạy tàu (trừ tài sản là ga), giá cho thuê quyền khai thác tài sản được xác định trên cơ sở chiều dài hành trình, lợi thế của tuyến khai thác và các yếu tố khác tác động đến khả năng khai thác của tài sản trong thời gian cho thuê;
b) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này, giá cho thuê quyền khai thác tài sản được xác định phù hợp với giá cho thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng tại thời điểm cho thuê và tương đương với mục đích cho thuê.
c) Giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia quy định tại điểm a, điểm b khoản này là giá cho thuê trong trường hợp cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuê hoặc là giá khởi điểm để đấu giá lựa chọn doanh nghiệp thuê quyền khai thác tài sản.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định giá cho thuê, giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản quy định tại khoản này.
3. Giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được xác định trên cơ sở giá trị còn lại của tài sản tại thời điểm chuyển nhượng theo đánh giá lại, thời gian tính hao mòn tài sản còn lại, giá trị đầu tư bổ sung, doanh thu và chi phí ước tính từ việc khai thác tài sản trong thời hạn chuyển nhượng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản quy định tại khoản này.
4. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là công trình đường sắt gắn với đất không sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, trong cơ cấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản không bao gồm tiền thuê đất.
5. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể Điều này.
Giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là khoản tiền doanh nghiệp thuê, nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản phải trả cho Nhà nước để được sử dụng, khai thác tài sản theo Hợp đồng ký kết.
Khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia như thế nào?
Tại Điều 16 Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định về khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia như sau:
1. Việc khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thực hiện theo quy định tại Điều 118 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về đất đai.
2. Cơ quan được giao quản lý tài sản lập Đề án khai thác quỹ đất, trình Bộ Giao thông vận tải; Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
3. Nội dung chủ yếu của Đề án khai thác quỹ đất gồm:
a) Căn cứ, sự cần thiết của Đề án;
b) Diện tích đất dự kiến khai thác;
c) Hình thức sử dụng đất;
d) Tổng mức đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;
đ) Dự kiến số tiền thu được từ việc khai thác quỹ đất;
e) Các thông tin khác liên quan đến việc khai thác quỹ đất;
g) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Việc khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thực hiện theo quy định tại Điều 118 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về đất đai.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi