Có phải đóng thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh không?
Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có phải đóng thuế giá trị gia tăng không?
Tại Điều 1 Quyết định 78/2010/QĐ-TTg có quy định như sau:
Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1.000.000 đồng (một triệu đồng) trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1.000.000 đồng (một triệu đồng) phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi bạn mua hàng hóa nhập khẩu gửi thông qua chuyển phát nhanh và với mức giá trị hàng hóa của bạn là 896.000 đồng thì bạn không cần phải đóng thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Giá cước vận chuyển đối với dịch vụ chuyển phát nhanh có được giảm quá 50% không?
Theo khoản 18 Điều 1 Nghị định 25/2022/NĐ-CP bổ sung Điều 15đ vào sau Điều 15 Nghị định 47/2011/NĐ-CP như sau:
Khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính
1. Việc khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.
2. Mức giảm giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính được khuyến mại bằng hình thức giảm giá không được vượt quá 50% giá cước gần nhất đã công khai, thông báo theo quy định.
Như vậy, giá khuyến mãi bằng hình thức giảm giá cước vận chuyển đối với dịch vụ chuyển phát nhanh không được vượt quá 50% giá cước lần gần nhất công khai.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát nhanh không được phép giảm giá quá 50% đối với giá cước cho các đơn hàng vận chuyển hàng hóa.
Có phải đóng thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh không? (Hình từ Internet)
Đơn vị chuyển phát nhanh phải bồi thường thiệt hại khi nào?
Căn cứ Điều 40 Luật Bưu chính 2010 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, cụ thể như sau:
1. Việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc bị tráo đổi toàn bộ được xác định theo mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ đối với dịch vụ đó.
2. Việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi một phần được xác định trên cơ sở thiệt hại thực tế, nhưng không cao hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ đối với dịch vụ đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
3. Tiền bồi thường thiệt hại là đồng Việt Nam, việc chi trả được thực hiện một lần, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
4. Không bồi thường thiệt hại gián tiếp hoặc nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không bảo đảm chất lượng dịch vụ bưu chính mà doanh nghiệp đã công bố.
5. Mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công bố và áp dụng, nhưng không được thấp hơn mức bồi thường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Bên cạnh đó, Điều 24 Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại, theo đó:
1. Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Không bồi thường thiệt hại gián tiếp ngoài hợp đồng hoặc các nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không bảo đảm chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận.
2. Bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi toàn bộ thì được bồi thường theo quy định đối với từng loại dịch vụ. Mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp quy định không thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường của từng loại dịch vụ theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.
3. Không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau đây:
a) Dịch vụ bưu chính không có chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi;
b) Người sử dụng dịch vụ không có chứng từ chứng minh việc sử dụng dịch vụ.
Với quy định này, nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì đơn vị chuyển phát nhanh phải tiến hành bồi thường thiệt hại.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài