Trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được quy định ra sao?
- 1. Quy định về trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi?
- 2. Ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi?
- 3. Quy định về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi?
1. Quy định về trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi?
Căn cứ Điều 17 Nghị định 13/2021/NĐ-CP quy định về trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần như sau:
1. Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được;
a) Trang bị kiến thức, kỹ năng và cung cấp thông tin tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sức khỏe tâm thần và các bệnh xã hội khác; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác;
b) Tuyên truyền, phổ biến và tiếp cận dịch vụ thân thiện về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
2. Bộ Y tế đảm bảo cung cấp dịch vụ thân thiện về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục toàn diện và sức khỏe tâm thần trong các cơ sở giáo dục cấp học trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức, thực hiện hiệu quả việc trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho thanh niên; chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội khác.
5. Các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp
a) Trang bị kiến thức, kỹ năng, kỹ năng sống; cung cấp thông tin tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sức khỏe tâm thần và các bệnh xã hội khác; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác;
b) Kịp thời phát hiện những hành vi về bạo lực gia đình, bạo lực học đường và các tệ nạn khác để xử lý.
6. Gia đình giáo dục, hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để thanh niên tự bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần; được sống an toàn, lành mạnh.
2. Ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi?
Theo Điều 18 Nghị định 13/2021/NĐ-CP quy định ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần như sau:
1. Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, rà soát, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vụ việc gây tổn hại về thể chất và tinh thần của thanh niên bảo đảm việc thực hiện các chính sách về hình sự, hành chính, dân sự cho thanh niên theo quy định của pháp luật.
2. Các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn, lồng ghép các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước. Khi phát hiện vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên phải kịp thời tìm hiểu, báo cáo nhanh chóng, đầy đủ cho các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết.
3. Gia đình có trách nhiệm giáo dục, phổ biến cho thanh niên về chính sách, pháp luật của nhà nước. Khi phát hiện vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên phải kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết, giúp đỡ thanh niên sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
3. Quy định về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi?
Tại Điều 19 Nghị định 13/2021/NĐ-CP quy định về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu như sau:
1. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị: Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng phát triển thanh niên có năng khiếu, đặc biệt thanh niên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo dõi, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đánh giá, báo cáo việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cho thanh niên học sinh có năng khiếu.
3. Gia đình khuyến khích, định hướng, bồi dưỡng, chăm lo, tạo điều kiện phát triển năng khiếu cho thanh niên; phối hợp với cơ sở giáo dục có kế hoạch bồi dưỡng năng khiếu của thanh niên.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh