Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam có ngày không nhận ký gửi, rút và chuyển khoản chứng khoán như thế nào?
- 1. Ngày không nhận ký gửi, rút và chuyển khoản chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam như thế nào?
- 2. Quy định chung về hồ sơ lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ra sao?
- 3. Mở tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam được thực hiện như thế nào?
1. Ngày không nhận ký gửi, rút và chuyển khoản chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Quy chế Hoạt động chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 114/QĐ-VSD năm 2021 quy định về ngày không nhận ký gửi, rút và chuyển khoản chứng khoán như sau:
1. VSD thông báo cho TVLK về việc không nhận ký gửi, rút chứng khoán, chuyển khoản vào những ngày VSD thực hiện việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc hoán đổi cổ phiếu trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông tin từ TCPH.
2. Trường hợp VSD không thể thực hiện yêu cầu của khách hàng vì lý do kỹ thuật, VSD thông báo cho TVLK/ TCMTKTT trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh sự cố kỹ thuật về lý do và thời gian VSD không nhận ký gửi, rút, chuyển khoản và phong tỏa, giải tỏa chứng khoán.
2. Quy định chung về hồ sơ lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ra sao?
Theo Điều 4 Quy chế Hoạt động chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 114/QĐ-VSD năm 2021 quy định chung về hồ sơ lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam như sau:
1. Hồ sơ lưu ký chứng khoán (hồ sơ ký gửi, rút, chuyển khoản, phong tỏa và giải tỏa chứng khoán, điều chỉnh thông tin nhà đầu tư) phải có đầy đủ chứng từ theo quy định, đóng dấu giáp lai đối với tài liệu đính kèm (nếu có), nội dung chứng từ phải thể hiện đầy đủ thông tin, cùng màu mực và chữ ký gốc của nhà đầu tư (nếu có). Phần xác nhận của TVLK trên chứng từ phải có đầy đủ nội dung về con dấu, chữ ký gốc và họ tên người đại diện có thẩm quyền ký chứng từ đã đăng ký với VSD theo quy định tại Quy chế thành viên lưu ký của VSD. Trường hợp nhà đầu tư là tổ chức, giấy đề nghị của nhà đầu tư phải có đủ chữ ký của người có thẩm quyền và con dấu của tổ chức đó. Trường hợp nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài không sử dụng con dấu, trên cơ sở thông tin nhận biết khách hàng quản lý tại TVLK, TVLK có văn bản gửi VSD nêu rõ việc tổ chức nước ngoài không sử dụng con dấu và xác nhận đã kiểm tra chữ ký trên hồ sơ lưu ký là chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức nước ngoài đã đăng ký với TVLK.
2. Trường hợp người sở hữu chứng khoán là tổ chức nước ngoài có trụ sở tại nước ngoài có thể sử dụng chỉ thị bằng điện SWIFT cho TVLK của VSD để thay thế cho các tài liệu yêu cầu nhà đầu tư phải lập trong các hồ sơ liên quan (như phiếu gửi/rút chứng khoán, giấy đề nghị điều chỉnh thông tin...) khi: (i) Nội dung trên điện SWIFT phải bao gồm đầy đủ các thông tin theo các mẫu biểu quy định tại từng hoạt động nghiệp vụ cụ thể tại Quy chế này; (ii) TVLK phải dịch và xác nhận về nội dung, tính xác thực của điện SWIFT và gửi kèm các tài liệu khác (nếu có).
3. Trường hợp ủy quyền lưu ký chứng khoán, nhà đầu tư phải có văn bản ủy quyền ghi rõ nội dung và phạm vi ủy quyền. Nếu văn bản ủy quyền bằng tiếng nước ngoài phải gửi kèm bản dịch chứng thực sang tiếng Việt bởi cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp người nhận ủy quyền là tổ chức, các chứng từ liên quan đến việc lưu ký chứng khoán phải có đủ chữ ký của người có thẩm quyền và con dấu của tổ chức đó. TVLK chịu trách nhiệm kiểm tra về tính hợp lệ của việc ủy quyền của nhà đầu tư.
4. Đối với TVLK, VSD xử lý hồ sơ lưu ký sau khi đã nhận chứng từ đầy đủ, hợp lệ của TVLK theo quy định đối với từng nghiệp vụ tại Quy chế này và các chứng từ điện tử do TVLK gửi cho VSD qua cổng giao tiếp điện tử/cổng giao tiếp trực tuyến.
5. Đối với TCMTKTT,VSD xử lý hồ sơ lưu ký sau khi đã nhận chứng từ đầy đủ, hợp lệ của tổ chức theo quy định đối với từng nghiệp vụ tại Quy chế này.
3. Mở tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Tại Điều 5 Quy chế Hoạt động chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 114/QĐ-VSD năm 2021 quy định chung về mở tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam như sau:
1. Các tổ chức đăng ký làm TVLK của VSD mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại VSD sau khi đã hoàn tất các thủ tục đăng ký TVLK theo quy định tại Quy chế thành viên lưu ký của VSD.
2. VSD cấp số hiệu và tài khoản lưu ký chứng khoán cho TVLK theo các nguyên tắc quy định tại Quy chế thành viên lưu ký của VSD và việc cấp số hiệu được thực hiện đồng thời với việc cấp Giấy chứng nhận TVLK.
3. Việc mở tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký tại VSD thực hiện theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Thông tư 119/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán (sau đây gọi tắt là Thông tư 119/2020/TT-BTC).
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo