Sau ly hôn chồng có được ở lại nhà riêng của vợ hay không?
Chồng có được ở lại nhà riêng của vợ sau ly hôn hay không?
Căn cứ Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn như sau:
Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Theo quy định trên, chồng bạn khó khăn về chỗ ở sẽ được quyền ở nhà riêng của bạn sau khi ly hôn trong thời hạn 06 tháng nếu bạn và chồng không có thỏa thuận khác.
Sau ly hôn chồng có được ở lại nhà riêng của vợ hay không? (Hình từ Internet)
Làm giấy khai sinh cho con sinh ra sau ly hôn không có tên cha được không?
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì trong trường hợp khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha mẹ thì:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
4. Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều này; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.
5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.
Theo đó, trường hợp của bạn, trẻ được khai sinh theo diện chưa xác định được cha. Như vậy, trong Giấy khai sinh cho con bạn, bạn có thể chỉ có tên mẹ mà không cần có tên cha.
Sinh con sau ly hôn thì có được ngăn cản cha gặp con hay không?
Theo khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về xác định cha, mẹ như sau:
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy, con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung nên dù sinh con sau hôn nhân thì đây vẫn là con chung và người cha vẫn có quyền thăm nom con mà không ai được cản trở sau ly hôn.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo