Tại phần tranh luận vụ án dân sự ai được quyền phát biểu trước?
Tại phần tranh luận vụ án dân sự ai phát biểu trước cũng được có đúng không?
Xin được hỏi, trong vụ án dân sự ở phần tranh luận thì người nào phát biểu trước cũng được phải không?
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 260 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định trình tự phát biểu khi tranh luận như sau:
Sau khi kết thúc việc hỏi, Hội đồng xét xử chuyển sang phần tranh luận tại phiên tòa. Trình tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện như sau:
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày. Nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến. Trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày ý kiến. Người có quyền và lợi ích hợp pháp được bảo vệ có quyền bổ sung ý kiến;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn tranh luận, đối đáp. Bị đơn có quyền bổ sung ý kiến;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến;
- Các đương sự đối đáp theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa;
- Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Như vậy, tại phần tranh luận thì trình tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện theo quy định nêu trên, không mặc nhiên ai cũng có thể phát biểu và ưu tiên cho phần phát biểu của mình, đặc biệt sẽ tuân theo hội đồng xét xử.
Tại phần tranh luận vụ án dân sự ai được quyền phát biểu trước? (Hình từ Internet)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt, bị đơn trong vụ án dân sự xin hoãn phiên tòa được không?
Trong phiên tòa xét xử một vụ án dân sự, bị đơn yêu cầu phải có đủ những người liên quan đến vụ án. Nhưng do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt trong phiên tòa, nếu bị đơn xin hoãn phiên tòa thì cho tôi hỏi phiên tòa có tiếp tục xét xử không?
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định đương sự trong vụ việc dân sự như sau:
1. Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Căn cứ khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:
1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Như vậy, khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan này có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Phiên tòa xét xử sẽ bị hoãn lại nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt mà không có đơn xin vắng mặt bất kể là bị hại có viết đơn xin hoãn hay không.
Còn nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại lần triệu tập thứ hai thì phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra theo quy định tại khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau:
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
Đối với lần triệu tập thứ hai nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt (không có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan) mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ. (Không phụ thuộc vào vấn đề bị hại có mặt tại phiên tòa có đơn xin hoãn phiên tòa hay không)
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án dân sự hôn nhân gia đình trong nước?
Tôi và chồng tôi kết hôn được hai năm, thời gian trước tôi bị chồng tôi đánh nên đã về nhà mẹ và hiện tại tôi muốn ly hôn, tuy nhiên tôi chưa biết phải khởi kiện ra tòa án nào để ly hôn? Nhờ ban biên tập tư vấn.
Trả lời:
Căn cứ pháp lý: Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
- Thẩm quyền tòa án: Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn thuộc thẩm quyền của tòa án.
- Cấp tòa án: Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây: Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình.
- Thẩm quyền tòa án theo lãnh thổ: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này.
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp và căn cứ quy định trên thì bạn khởi kiện ly hôn đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn cư trú. Bạn lưu rằng chỉ áp dụng đối với trường hợp các đương sự và tài sản tranh chấp (nếu có) đều ở trong nước.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài