Người phụ trách kỹ thuật của doanh nghiệp thăm dò khoáng sản cần phải có chuyên ngành gì?
Doanh nghiệp thăm dò khoáng sản cần phải có người phụ trách kỹ thuật chuyên ngành gì?
Căn cứ Điều 35 Luật khoáng sản 2010 quy định điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản như sau:
Điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản
1. Tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Có người phụ trách kỹ thuật tốt nghiệp đại học chuyên ngành địa chất thăm dò đã công tác thực tế trong thăm dò khoáng sản ít nhất 05 năm; có hiểu biết, nắm vững tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thăm dò khoáng sản;
c) Có đội ngũ công nhân kỹ thuật chuyên ngành địa chất thăm dò, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, địa vật lý, khoan, khai đào và chuyên ngành khác có liên quan;
d) Có thiết bị, công cụ chuyên dùng cần thiết để thi công công trình thăm dò khoáng sản.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết điều kiện hành nghề thăm dò khoáng sản.
Như vậy, doanh nghiệp hành nghề thăm dò khoáng sản phải có người phụ trách kỹ thuật tốt nghiệp đại học chuyên ngành địa chất thăm dò đã công tác thực tế trong thăm dò khoáng sản ít nhất 05 năm đáp ứng tiêu chuẩn quy định trên.
Người phụ trách kỹ thuật của doanh nghiệp thăm dò khoáng sản cần phải có chuyên ngành gì? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp muốn được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản phải có vốn chủ sở hữu là bao nhiêu?
Theo Điều 40 Luật khoáng sản 2010 sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định nguyên tắc và điều kiện cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản như sau:
Nguyên tắc và điều kiện cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản
1. Việc cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Giấy phép thăm dò khoáng sản chỉ được cấp ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò hoặc khai thác khoáng sản hợp pháp và không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia hoặc khu vực đang được điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản cùng loại với khoáng sản xin cấp giấy phép thăm dò;
b) Mỗi tổ chức, cá nhân được cấp không quá 05 Giấy phép thăm dò khoáng sản, không kể Giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực; tổng diện tích khu vực thăm dò của các giấy phép đối với một loại khoáng sản không quá 02 lần diện tích thăm dò của một giấy phép quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.
2. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền lựa chọn theo quy định tại Điều 36 của Luật này hoặc trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò theo quy định của Luật này; nếu tổ chức, cá nhân không có đủ điều kiện hành nghề quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này thì phải có hợp đồng với tổ chức có đủ điều kiện hành nghề thăm dò khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này;
b) Có đề án thăm dò phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; đối với khoáng sản độc hại còn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản;
c) Có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 50% tổng vốn đầu tư thực hiện đề án thăm dò khoáng sản.
3. Hộ kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này được phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi có đủ điều kiện do Chỉnh phủ quy định.
Theo đó, doanh nghiệp phải có là có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 50% tổng vốn đầu tư thực hiện đề án thăm dò khoáng sản và đáp ứng ứng các điều kiện khác quy định trên để được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản.
Giấy phép thăm dò khoáng sản phải có các nội dung chính nào?
Tại Điều 41 Luật khoáng sản 2010 quy định Giấy phép thăm dò khoáng sản phải có các nội dung chính sau đây:
- Tên tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản;
- Loại khoáng sản, địa điểm, diện tích khu vực thăm dò khoáng sản;
- Phương pháp, khối lượng thăm dò;
- Thời hạn thăm dò khoáng sản;
- Nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khác có liên quan.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh