Người đã từng phạm tội phá rối an ninh thì có được ứng cử làm đại biểu hội đồng nhân dân hay không?
Đã từng phạm tội phá rối an ninh thì có được ứng cử làm đại biểu hội đồng nhân dân?
Tại Điều 44 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về tước một số quyền công dân như sau:
Tước một số quyền công dân
1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Tại Điều 122 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về hình phạt bổ sung đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia như sau:
Hình phạt bổ xung
Người phạm tội quy định tại Chương này còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tại Điều 113 Hiến pháp 2013 có quy định:
1. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Căn cứ theo quy định hiện hành, trong trường hợp bạn đã từng bị kết án về tội phá rối an ninh (thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và có hình phạt bổ sung là tước một số quyền công dân thì sau khi kết thúc thời hạn bị tước quyền, bạn có thể ứng cử vào vị trí hội đồng nhân dân.
Người đã từng phạm tội phá rối an ninh thì có được ứng cử làm đại biểu hội đồng nhân dân hay không? (Hình từ Internet)
Người phạm tội phá rối an ninh có thể bị phạt tối đa bao nhiêu năm tù?
Tại Điều 118 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về tội phá rối an ninh như sau:
Tội phá rối an ninh
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 112 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Như vậy, người phạm tội phá rối an ninh có thể bị phạt tù tối đa đến 15 năm.
Pháp nhân thương mại có thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá rối an ninh hay không?
Tại Điều 2 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự như sau:
Cơ sở của trách nhiệm hình sự
1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tại Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại như sau:
Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này.
Theo đó, tội phá rối an ninh được quy định tại Điều 118 Bộ luật hình sự 2015, tội này không thuộc phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân