Công dân có được xem xét kết nạp vào Đảng khi sinh con thứ 4? Tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp vào Đảng đối với công dân vi phạm chính sách dân số như thế nào?
Công dân sinh con thứ 4 có được xem xét kết nạp vào Đảng không?
Tại Điều 3 Quy định 05-QĐi/TW năm 2018 quy định các trường hợp không xem xét kết nạp lại và kết nạp vào Đảng như sau:
Trường hợp không xem xét kết nạp lại và kết nạp vào Đảng
1. Đảng viên sau khi bị đưa ra khỏi Đảng lại vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.
2. Quần chúng đã vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình trong trường hợp sinh con thứ năm trở lên.
Như vậy, công dân vi phạm chính sách dân số sinh con thứ 5 trở lên thì sẽ không được xem xét kết nạp vào Đảng. Bạn chỉ mới vi phạm chính sách dân số đến con thứ 4 nên bạn vẫn có thể được xem xét kết nạp vào Đảng.
Công dân có được xem xét kết nạp vào Đảng khi sinh con thứ 4? Tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp vào Đảng đối với công dân vi phạm chính sách dân số như thế nào? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp vào Đảng đối với công dân vi phạm chính sách dân số như thế nào?
Theo Điều 5 Quy định 05-QĐi/TW năm 2018 quy định tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp vào Đảng đối với quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình như sau:
Tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp vào Đảng đối với quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình
1. Quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình chỉ được xem xét, kết nạp vào Đảng khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị; là người có uy tín trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, được cấp uỷ nơi công tác và nơi cư trú, các tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên đánh giá cao về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về ý thức trách nhiệm đối với nhân dân và phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 24 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ ba hoặc 36 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ tư kể từ ngày sinh con đến ngày chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.
2. Việc kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng do ban thường vụ cấp uỷ huyện (hoặc tương đương) xem xét, quyết định.
Như vậy, khi đã vi phạm chính sách dân số thì bạn chỉ được xem xét kết nạp vào Đảng khi bạn có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được nêu trên.
Người trên 60 tuổi có được kết nạp vào Đảng không?
Căn cứ Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định như sau:
1. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.
2. Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện : thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.
Tại Tiểu mục 1.1 Mục 1 Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021 quy định về tuổi đời như sau:
Chỉ xem xét kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi khi đủ các điều kiện: Có sức khoẻ và uy tín; đang công tác, cư trú ở cơ sở chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên hoặc do yêu cầu đặc biệt; được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.
Như vậy, tuổi kết nạp vào Đảng là từ 18 tuổi đến 60 tuổi nhưng vẫn có trường hợp trên 60 tuổi được kết nạp vào Đảng. Nếu người trên 60 tuổi đáp ứng được những điều kiện được nêu trên thì vẫn sẽ được kết nạp vào Đảng.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân